Ngủ bù vào dịp lễ hoặc cuối tuần có thể giúp giải tỏa căng thẳng tạm thời song nếu thường xuyên dễ gây rối loạn chu kỳ giấc ngủ của cơ thể. Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lịch trình ngủ - thức không đều đặn do thức khuya, dậy muộn hơn có thể làm rối loạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ, tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu, thức giấc giữa đêm, ngưng thở khi ngủ. Rối loạn nhịp sinh học làm thay đổi các chức năng sinh học của cơ thể như nhiệt độ, mức năng lượng, quá trình trao đổi chất và khả năng chống nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn đến viêm nhiễm, béo phì hay các bệnh lý như bệnh tim mạch, tiểu đường. Lịch trình ngủ không đều đặn ảnh hưởng đến nồng độ của các loại hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Đây là lý do nhiều người thiếu ngủ và ngủ bù vào dịp nghỉ lễ, dẫn đến cảm giác bồn chồn, giảm khả năng suy nghĩ và tốc độ phản ứng. Rối loạn nhịp sinh học còn có liên hệ chặt chẽ với rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần và thoái hóa thần kinh, khả năng cao mắc bệnh Alzheimer, Parkinson và rối loạn trầm cảm. Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Bất đồng giữa thời gian ngủ bù và lịch trình sinh hoạt, đi học, đi làm vào những ngày bình thường được gọi là hội chứng lệch múi giờ xã hội (Social jet lag). Tình trạng này dẫn đến sự thay đổi của hệ vi sinh vật trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đường ruột và hệ tiêu hóa nói chung. Theo bác sĩ Tiến, mỗi người nên duy trì chu trình thức - ngủ đều đặn, đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày. Thời gian ngủ tốt nhất từ 22h đến 5h hoặc 6h hôm sau. Tránh thức khuya và ngủ nướng đến trưa, chiều. Nếu cần ngủ trưa nên duy trì thói quen ngủ trưa ngắn khoảng 20 phút. Đồng thời kết hợp các hoạt động dã ngoại, vui chơi thể thao để nâng cao thể lực và thư giãn tâm trí. Sử dụng các dưỡng chất từ thiên nhiên như chiết xuất blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) hỗ trợ tăng cường máu lên não, cải thiện các liên kết và chức năng thần kinh, ức chế gốc tự do, nâng cao chất lượng giấc ngủ. Các dưỡng chất này còn phòng ngừa các tác nhân tấn công tế bào thần kinh và mạch máu não do thiếu ngủ gây ra. Người bị mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài cần đến bác sĩ khám để được đánh giá, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. An Thư Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress