Những loài thú xâm chiếm thành phố trên thế giới

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 30, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 94)

    Từ lợn rừng tới linh cẩu, nhiều loài động vật hoang dã đang bị thu hút bởi các đô thị và phát triển mạnh ở những thành phố lớn trên thế giới.


    Cáo

    [​IMG]

    Cáo lang thang trên đường phố ở Anh. Ảnh: BBC


    Mỗi đêm, khi hoàng hôn buông xuống các thành phố trên khắp châu Âu, cáo đỏ chui ra khỏi nơi ẩn nấp và bắt đầu rình mò trên đường phố. Đôi khi, chúng đi thơ thẩn tự nhiên giữa những người đi bộ hoặc lục thùng rác. Loài vật ăn tạp dễ thích nghi này sẽ mò tìm thức ăn tự nhiên như quả dại và côn trùng, bổ sung thêm chim bồ câu và thức ăn thừa từ thùng rác.

    Cáo đã sống lẫn với con người trong suốt thiên niên kỷ. Ngày nay, cáo phát triển mạnh trong đô thị, với mật độ 18 con/km2 chỉ tính riêng ở London. Chúng cũng được tìm thấy ở các thành phố Mỹ, đặc biệt ở vùng đông bắc.

    Sói đồng cỏ

    Sói đồng cỏ trở nên đầy rẫy tại các thành phố Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Chúng là động vật ăn xác thối cơ hội, sẵn sàng ăn bất cứ thứ gì, bao gồm chuột, thỏ, ếch, thằn lằn và thức ăn thừa từ thùng rác. Một nghiên cứu năm 2022 phân tích chế độ ăn của sói đồng cỏ ở thành phố New York phát hiện chúng ăn động vật có vú lớn như hươu và gấu mèo cũng như thức ăn của con người như thịt gà, lợn, bò. Chế độ ăn linh hoạt giúp chúng thích nghi tốt với cuộc sống đô thị. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo việc sói đồng cỏ ăn thức ăn thừa có thể đe dọa con người bởi chúng thường mang theo ký sinh trùng và vi khuẩn không lành mạnh.

    Mòng biển

    Ở những vùng ven biển, mòng biển là loài kiếm ăn cơ hội hung dữ, xâm chiếm thành phố và thị trấn để chôm chỉa thức ăn dã ngoại, tiệc nướng ngoài trời hay thậm chí cướp đồ ăn vặt trên đường phố. Lượng cá sụt giảm và tình trạng mất môi trường sống tự nhiên thúc đẩy mòng biển tìm kiếm thức ăn ở nơi khác, bao gồm các thành phố và bãi rác. Theo thời gian, chúng tích lũy kỹ năng thành thạo để lấy thức ăn từ thùng rác hoặc trực tiếp từ con người, theo nhà nghiên cứu Paul Graham ở Đại học Sussex, Anh.

    Lợn rừng

    [​IMG]

    Lợn rừng bới rác ở Teufelssee, Đức. Ảnh: Ingolf König-Jablonski/dpa


    Dù có bản chất ẩn dật, sức hấp dẫn của cuộc sống ven đô thôi thúc lợn rừng bước ra ánh sáng. Từ những ngọn đồi ở Hong Kong tới bãi biển Marbella tại Địa Trung Hải, lợn rừng đang sục sạo rác thải. Tại Berlin, chúng nằm ngủ trong bể phao. Bất cứ nơi đâu có lợn rừng, nhà chức trách địa phương hoặc đội tiêu diệt thường mau chóng lần theo chúng.

    Tại Mỹ, lợn rừng cũng bị coi như loài xâm hại. Với số lượng khoảng 6 triệu con và ngày càng tăng, ít nhất 35 bang ghi nhận lợn rừng xuất hiện. Kết quả là thiệt hại về mùa màng hàng năm ở Mỹ như lạc và ngô ước tính 2,5 tỷ USD.

    Linh cẩu

    Linh cẩu là loài hung ác nổi tiếng trong vương quốc động vật. Nhưng loài vật ăn xác thối này không hoàn toàn xấu. Linh cẩu cung cấp nhiều lợi ích lớn về sức khỏe và kinh tế cho các thành phố châu Phi, theo nghiên cứu năm 2021 của Đại học Michigan. Tổng cộng, linh cẩu đã loại bỏ 207 tấn xác động vật hàng năm ở Mekelle, thành phố phía bắc Ethiopia, ngăn chặn lây nhiễm bệnh than và vi khuẩn lao bò giữa cư dân cũng như gia súc, cừu và dê. Tại thành phố Harar phía đông Ethiopia, chúng lang thang bên trong thành phố ban đêm, ăn thức ăn và thịt thừa mà người bán thịt bỏ lại.

    Voi

    Voi thường lùng sục những đống rác ở ngoại ô Kotdwar, thành phố ở quận Uttarakhand phía bắc Ấn Độ. Chúng thăm dò rác thải bằng vòi, đôi khi dừng lại để nuốt chửng bất kỳ miếng ngon nào mà chúng phát hiện. Chúng nằm trong số các động vật lớn nhất hành tinh, thuộc loài voi châu Á. Kotdwar, thành phố phát triển nhanh với ước tính 45.000 cư dân, nằm ở rìa cánh rừng nơi đàn voi sinh sống. Trong khi nhiều đô thị mọc lên gần cánh rừng, sự phát triển đó mang đến cho voi nguồn thức ăn bất ngờ. Voi sống gần Kotdwar đặc biệt quen thuộc với cuộc sống bới rác. Nhưng mọi mẫu vật phân của chúng đều chứa túi nylon, hộp đựng thức ăn hay thậm chí dao dĩa dùng một lần, theo nhóm nghiên cứu ở Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi.

    Một nghiên cứu về voi kiếm ăn ở bãi rác phía nam Sri Lanka phát hiện chúng có hình thể tốt hơn voi không ăn rác của con người. Nhưng có nhiều báo cáo về voi chết dần do ăn lượng lớn chất thải nhựa. Ngoài ra, nguy cơ về xung đột giữa người và voi có thể dẫn tới hậu quả chí mạng cho cả hai bên.

    Gấu

    [​IMG]

    Gấu xám mò vào nhà dân ở British Columbia, Canada. Ảnh: CBC


    Tại Mỹ, tai nạn do gấu đến gần con người đang ngày càng phổ biến. Gấu xám Bắc Mỹ quen sống ở phía tây trong khi gấu đen phân bố phổ biến ở vùng rừng trên khắp cả nước. Chúng là loài cực kỳ thông minh với chiếc mũi cực nhạy và bản tính phàm ăn, sẵn sàng đi quãng đường dài để kiếm ăn.

    Phần lớn xung đột với gấu xảy ra khi thức ăn từ con người như rác, đồ ăn cho chó hoặc cây ăn quả, có sẵn. Gấu thường bị bắt gặp đột nhập vào nhà dân để trộm thức ăn. Tuy săn gấu vẫn được cho phép ở một số bang ở Mỹ, nhà chức trách quản lý động vật hoang dã đang hướng dẫn cộng đồng cách chung sống hòa bình với gấu.

    An Khang (Theo BBC)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những loài thú xâm chiếm thành phố trên thế giới

Share This Page