Chuyên gia Pháp: Việt Nam nên dùng mã nguồn mở cho AI

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Apr 28, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 209)

    Ông Alexander Zapolsky, chuyên gia về Open Source tại châu Âu, cho rằng AI mã nguồn mở giúp bảo vệ chủ quyền số và là hướng đi nhà phát triển Việt nên theo.


    Alexander Zapolsky là người sáng lập Linagora, nhà phát triển phần mềm Pháp đi đầu trong việc xây dựng giải pháp mã nguồn mở. Trong chuyến đi đến Hà Nội tuần trước, ông chia sẻ về tầm quan trọng của nguồn mở, đặc biệt trong việc phát triển AI tạo sinh tại Việt Nam.

    - Ông đánh giá gì về việc ứng dụng mã nguồn mở tại Việt Nam và Pháp?

    Tôi thấy có sự khác nhau về mức độ tiếp nhận mã nguồn mở của hai nước. Tại Pháp, mức độ mạnh mẽ hơn, khi nhiều công ty và chính phủ sử dụng sản phẩm nguồn mở. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần lên tiếng ủng hộ mã nguồn mở tại các sự kiện công nghệ.

    Ở Việt Nam, mức độ tiếp nhận thấp hơn, nhưng lại có nhiều start-up tham gia. Thế hệ trẻ Việt đông đảo, trong đó nhiều người muốn trở thành kỹ sư, muốn phát triển sự nghiệp, trở thành nhà phát triển, lập trình viên. Ngày nay, nếu là một nhà phát triển phần mềm, bạn nên quan tâm đến mã nguồn mở.

    Ở cấp quốc gia, tôi nghĩ cả Pháp và Việt Nam cần có chiến lược mã nguồn mở. Tôi đã tham gia nhiều vào quá trình thúc đẩy chính phủ Pháp phát triển chiến lược này. Việt Nam cũng nên có quyết định chiến lược về mã nguồn mở và chủ quyền kỹ thuật số.

    [​IMG]

    Alexander Zapolsky, nhà sáng lập công ty mã nguồn mở Linagora. Ảnh: Lưu Quý


    - Ông nhắc đến chủ quyền kỹ thuật số, đó là gì và tại sao mã nguồn mở lại tạo ra chủ quyền kỹ thuật số?

    Chủ quyền số có thể hiểu là khả năng quản lý sự phụ thuộc kỹ thuật số của bạn, hoặc tổ chức của bạn với các đơn vị cung cấp. Nếu phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm hoặc giải pháp thương mại quốc tế không mở, bạn có thể gặp rủi ro. Một thay đổi về địa chính trị có thể khiến bạn không còn quyền truy cập vào hệ thống công nghệ thông tin của chính mình nữa.

    Chúng ta không thể có chủ quyền số nếu không làm chủ công nghệ. Với nguyên tắc thiết kế của mã nguồn mở, không chỉ dễ dàng tiếp cận hơn mà còn hoàn toàn độc lập, không bị phụ thuộc vào bất đơn vị cung cấp phần mềm cụ thể nào, từ quốc gia nào.

    Điều đó đặc biệt đúng với trí tuệ nhân tạo. Quan trọng nhất trong mô hình ngôn ngữ lớn và AI là dữ liệu. Đối với mô hình ngôn ngữ độc quyền, bộ dữ liệu họ sử dụng không được công bố. Họ huấn luyện bộ dữ liệu đó theo cách của họ. Khi đó, bên sử dụng không thể kiểm soát dữ liệu đầu vào và đầu ra. Điều này tạo ra rủi ro lớn khi có thể bị phụ thuộc vào tầm nhìn của một cá nhân hay doanh nghiệp. Rủi ro dễ thấy nhất là AI có thể tạo ra câu trả lời không phù hợp với chính trị và văn hóa của quốc gia.

    Ngoài ra, AI phải tôn trọng sự đa dạng. Trong tự nhiên, chúng ta cần sự đa dạng sinh học. Trong thế giới kỹ thuật số cũng vậy. Chúng ta không nên chỉ có một hoặc vài mô hình trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cần sự đa dạng và đó là những gì mà mã nguồn mở LLM mở sẽ mang lại cho thế giới.

    - Có lợi ích như vậy nhưng các công ty thành công nhất vẫn là mã nguồn đóng. Thách thức trong việc ứng dụng mã nguồn mở là gì?

    Tôi muốn đề cập đến OpenAI. Họ có tên "AI mở" nhưng lại là công nghệ đóng. Tuy nhiên trong tương lai, tôi không nghĩ người chiến thắng cuối cùng là OpenAI, mà sẽ là một công ty sử dụng mã nguồn mở. Một công ty trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở thực sự sẽ trở thành lãnh đạo trên thị trường.

    Về thị trường công nghệ nói chung, tôi cho rằng sức mạnh thống trị của công ty hàng đầu công nghệ GAFAM (Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft), một phần đến từ sức mạnh tài chính. Họ có thể tạo ra rào cản trong thị trường, làm cho việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn.

    Mã nguồn mở có thể dễ tiếp cận cho nhà phát triển, nhưng việc thuyết phục sử dụng giải pháp mã nguồn mở đòi hỏi ngân sách hay nguồn lực đáng kể. Nhưng bất chấp thách thức lớn như vậy, ngày càng nhiều người nhận ra mã nguồn mở có lợi cho toàn cầu, cho cá nhân và cho xã hội. Tôi tin chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của hành trình này và thế giới sẽ tiếp tục chấp nhận mã nguồn mở nhiều hơn.

    - Các nước châu Âu đã làm gì để bảo vệ chủ quyền số và ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc này?

    Ở châu Âu, 80% thị trường phần mềm được cung cấp bởi các hãng từ Mỹ. Đó là con số khổng lồ và đến lúc chúng tôi nhận ra "đủ rồi". Từ đó, chúng tôi quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích của mình.

    Để làm được điều đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng số cốt lõi dựa trên nền tảng mã nguồn mở. Những trụ cột của hạ tầng công nghệ số có thể kể đến như hệ điều hành, công cụ quản lý, khai thác dữ liệu... Chúng tôi đã xây dựng một sáng kiến gọi là Cơ sở hạ tầng Công cộng số - Digital Public Infrastructure và chúng được phát triển trên các tiêu chuẩn mở với công cụ phần mềm mã nguồn mở.

    Ở Việt Nam, một số công ty rất thành công trong việc xây dựng chủ quyền kỹ thuật số như VNPT, Viettel. Họ sử dụng những công nghệ mở với sự trợ giúp của một số chuyên gia và tổ chức nước ngoài và họ toàn toàn độc lập trong hạ tầng công nghệ. Xa hơn, tôi nghĩ Việt Nam nên phát triển các chương trình tài trợ nghiên cứu và phát triển, để tài trợ phát triển và hỗ trợ tăng trưởng quy mô của các phần mềm được sản xuất tại Việt Nam.

    - Vậy việc phát triển AI nguồn mở ở Việt Nam thì sao?

    Khi có càng nhiều công ty phát triển dựa trên mã nguồn mở, công ty độc quyền sẽ càng giảm. Vì vậy, tôi nghĩ cần sẵn sàng để làm LLM mã nguồn mở. Khi đã có nền tảng đủ tốt và được các nhà phát triển chấp nhận, việc mở cửa công nghệ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

    Ngay cả ở những công ty lớn đã đề cập ở trên, như Meta, họ đã bắt đầu sử dụng mã nguồn mở trong các mô hình ngôn ngữ lớn LLama 1, LLama 2 để cạnh tranh với OpenAI. Elon Musk cũng quyết định làm LLM mã nguồn mở Grok AI.

    Tôi nghĩ giải pháp cho Việt Nam sẽ là "Le saut de grenouille", hay Leap Frog. Hiểu đơn giản là không cần phải cạnh tranh bằng cách làm theo những gì những người khác đã làm, mà cần nhảy vọt thẳng đến điểm tiếp theo. Và điểm tiếp theo chính là trực tiếp phát triển mô hình LLM nguồn mở thực sự.

    Lưu Quý


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Chuyên gia Pháp: Việt Nam nên dùng mã nguồn mở cho AI

Share This Page