Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang có cơ hội tham gia chuỗi giá trị ngành bán dẫn, nhưng cần triển khai trước 24 tháng để hiện thực hóa cơ hội. Tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chiều 24/4 ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá bối cảnh thế giới và lợi thế trong nước đang mang đến cho Việt Nam cơ hội nâng cao vai trò trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Bốn lợi thế được Bộ trưởng nhắc đến gồm quyết tâm chính trị; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút hơn 50 doanh nghiệp hoạt động; lực lượng lao động chất lượng; và đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước có ngành bán dẫn phát triển. "Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội nghìn năm có một để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", ông Dũng nhấn mạnh. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. "Những nội dung này cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng", ông nói. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, nhân lực được Thủ tướng đánh giá là "một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam". Theo ông, nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ nhận được sự tin tưởng của đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc Từ cuối 2023, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến 2030, định hướng đến 2045", với mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn. Bộ trưởng Dũng cho biết mục tiêu 50 nghìn kỹ sư sẽ phục vụ tất cả công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó có 15 nghìn kỹ sư thiết kế, 35 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành bán dẫn. Ngoài ra, đề án cũng đặt mục tiêu tối thiểu 5 nghìn kỹ sư có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo, 1,3 nghìn giảng viên có trình độ quốc tế. Để đạt mục tiêu, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở vật chất. Theo ông, Việt Nam cần tối thiểu bốn trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại các đại học quốc gia, đại học vùng ở ba miền và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ngoài ra, cần khoảng 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn cơ bản tại 18 trường đại học kỹ thuật. Về đào tạo, ông Dũng cho biết sẽ chủ yếu là hình thức ngắn hạn, nâng cao, chuyển đổi từ các ngành gần, ngành phù hợp sang công nghiệp bán dẫn. Song song, hình thức đào tạo chính quy sẽ được triển khai trên cơ sở hợp tác "ba nhà": nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp, kết hợp liên kết quốc tế. Giai đoạn đầu, Việt Nam tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Nhật Bắc Dẫn số liệu khảo sát tại các trường đại học, ông đánh giá "con số 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030 hoàn toàn khả thi, thậm chí còn có thể đào tạo được nhiều hơn". Theo dự tính, tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 17.000 tỷ và nguồn xã hội hóa 9.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, việc sớm đưa đề án vào triển khai sẽ càng tăng cơ hội cho Việt Nam. "Vì vậy, chúng ta cũng không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thực tiễn trong nước và thế giới", ông nói. Tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để đảm bảo đề án thành công, cần quan tâm đến cả yếu tố đầu ra, dựa trên nhu cầu của thị trường. Ngoài mức lương được đảm bảo cho các kỹ sư, cần có cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước, ký kết cung ứng nhân lực cho các quốc gia đang thiếu hụt. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hùng đánh giá trong ngắn hạn, để có nhân sự bán dẫn, có thể sử dụng phương án đào tạo lại hoặc đào tạo chuyển tiếp các kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, kỹ sự điện tử. Để làm được điều này cần giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất. "Lời giải ở đây là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, sự đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước và các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài lúc này là ưu tiên nhất", ông nói. Nói về yêu cầu triển khai nhanh để tận dụng cơ hội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng thế giới sẽ không chờ quốc gia nào vì thế giới không thể thiếu chip. Ông cũng cho biết từng có chuyên gia nhận định Việt Nam thậm chí chỉ còn 18 tháng để tận dụng cơ hội. Vì vậy, Chủ tịch FPT cho rằng cần có những cách làm đột phá. "Đột phá mới là quan trọng. Chúng ta phải đột phá về thể chế. Trong 18 tháng phải thể hiện Việt Nam không chỉ có cơ hội mà còn cam kết với cơ hội đó", ông Bình nói. Sau khi nghe chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, Thủ tướng đánh giá Việt Nam đã có những điều kiện, nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao. Theo Thủ tướng, năm trụ cột để phát triển ngành gồm xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển. Ông cũng gọi việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện để triển khai các giải pháp cụ thể phát triển nhân lực bán dẫn. Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ