'Đau muốn rụng chân' vì bướu thận khiến máu không về tim

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 23, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 67)

    TP HCMNgười đàn ông 60 tuổi đột nhiên đau chân phải gần một tuần, kèm sốt, nhiều lúc "muốn rụng chân", bác sĩ phát hiện bướu thận phải đã ăn lan tĩnh mạch, khiến máu từ chân không chảy về tim được.


    Theo y văn, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4-10% tổng số người bệnh. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình là 5 tháng. Tuy nhiên, trường hợp phát hiện muộn như bệnh nhân này, bác sĩ ước tính khó giữ được tính mạng trong 2 tuần nếu không mổ do bướu sẽ lan dần về tim, lên phổi gây tắc nghẽn tuần hoàn.

    Ngày 22/4, BS.CK2 Hồ Khánh Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân, cho biết trước tình thế cấp bách của người bệnh, ban giám đốc hội chẩn toàn viện, phối hợp nhiều chuyên khoa tìm phương án tối ưu. Nhiều tình huống được thảo luận, trong đó bác sĩ tiên lượng phải thay mới hoàn toàn một đoạn tĩnh mạch chủ dưới đã bị chồi bướu xâm lấn.

    Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân từng có kinh nghiệm thực hiện mở tĩnh mạch chủ, lấy chồi bướu cho nhiều trường hợp chồi bướu lan vào lòng tĩnh mạch. Trường hợp này, ê kíp phải vượt qua những thử thách và thực hiện kỹ thuật mới, bởi chồi bướu gây chít hẹp hoàn toàn, buộc phải thay mới đoạn tĩnh mạch chủ dưới. Đây là phẫu thuật mà hiện nay ngay cả trong y văn thế giới cũng chỉ mới có vài tác giả báo cáo những trường hợp hiếm gặp. Tĩnh mạch chủ dưới là mạch máu lớn trong bụng, dẫn máu toàn bộ cơ thể dưới về tim, khi bị tắc sẽ gây phù chân và rối loạn huyết động.

    Sau khi lên kế hoạch kỹ, các bác sĩ tiết niệu phẫu thuật robot cắt bỏ thận phải có bướu xâm lấn. Sau đó, kíp bác sĩ mạch máu đã thay tĩnh mạch chủ dưới khiếm khuyết bằng đoạn ống ghép chất liệu nhân tạo dài hơn 10 cm. Ê kíp lấy toàn bộ huyết khối trong các mạch máu, cắm lại tĩnh mạch thận trái để máu lưu thông từ tĩnh mạch thận trái về tim.

    Ca phẫu thuật thành công sau hơn 11 giờ. Hai ngày sau mổ, người bệnh vận động được tại giường. Bệnh nhân được cắt chỉ ở ngày thứ 7 và vừa xuất viện vào ngày thứ 10 với ống ghép và mạch máu lưu thông tốt, chức năng thận trái tốt.

    Sau khi vết thương ổn định, người bệnh sẽ tiếp tục các liệu trình hóa trị để loại trừ tế bào ung thư và sử dụng thuốc chống đông để phòng ngừa huyết khối sau này. Bệnh nhân cho biết trước đây chưa từng đi bệnh viện khám, luôn nghĩ mình có sức khỏe tốt. Ông cũng chưa từng nghĩ đau chân có liên quan tới bướu thận nên để lan đến mạch máu.

    [​IMG]

    TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân, khám cho bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Trần Nhung


    Các bác sĩ nhận định trường hợp bướu thận có chồi bướu trong lòng tĩnh mạch gây đau chân như bệnh nhân là biểu hiện lâm sàng ít khi được ghi nhận. Đa số người bệnh có bướu thận thường đau vùng hông lưng, tiểu máu.

    Bác sĩ khuyến cáo người có đau vùng hông lưng, tiểu khó, đau bụng, đau tức chân, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm. Người khỏe mạnh, không có triệu chứng cũng nên đi siêu âm bụng mỗi năm để kiểm tra các cơ quan trong ổ bụng như gan, mật, tụy, thận, bàng quang... và tầm soát thêm mạch máu. Những người trên 40 tuổi cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện những bất thường mạch máu như xơ vữa động mạch, suy tĩnh mạch.

    TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân, cho biết hiện nay việc siêu âm ổ bụng có thể phát hiện bướu thận giai đoạn sớm, khi bướu chỉ mới có kích thước khoảng 1-3 cm. Khi phát hiện bướu ở giai đoạn sớm, việc cắt bướu bảo tồn thận sẽ rất thuận lợi và tiên lượng rất tốt cho người bệnh thay vì phát hiện muộn đến khi bướu đã xâm lấn hoặc di căn xa.

    Lê Phương


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 'Đau muốn rụng chân' vì bướu thận khiến máu không về tim

Share This Page