TP HCMMột ngày sau khi can thiệp lấy huyết khối gây đột quỵ, người đàn ông 47 tuổi bất ngờ rơi vào cơn nhồi cơ tim, sốc tim, suy tim. Ngày 18/4, BS.CK2 Dương Duy Trang, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết bệnh nhân ngụ Tiền Giang vào viện tình trạng hôn mê, liệt nửa người trái, thở máy qua nội khí quản, sốt 39,5 độ C, huyết áp tụt. Người nhà cho biết trước đó bệnh nhân đột ngột đau đầu nhiều, rồi nói khó nghe. Bác sĩ một bệnh viện tại TP HCM chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não, can thiệp DSA lấy huyết khối thành công, giúp người bệnh tỉnh táo, ăn uống được. Sau đó, người bệnh lên cơn khó thở, bứt rứt nhiều, cận lâm sàng nghi nhận đột quỵ nhồi máu não chuyển dạng xuất huyết, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, được gia đình xin chuyển viện. Theo bác sĩ Trang, ca bệnh tiên lượng rất nặng với nhiều rủi ro. Bệnh nhân hẹp tắc phần lớn mạch vành, cần can thiệp đặt stent ngay. Điều khó khăn là người bệnh đang hôn mê, thở nội khí quản, huyết áp chưa ổn định, thể trạng kém, lại vừa trải qua đột quỵ não. Đây là thách thức không nhỏ cho cuộc can thiệp, nhưng nếu không xử trí kịp thời, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa. Các bác sĩ tập điều trị hồi sức tích cực, sau đó đặt stent tái thông mạch máu. Ê kíp còn can thiệp đặt catheter (ống thông) tĩnh mạch trung tâm qua tĩnh mạch cảnh trong để theo dõi huyết động liên tục, truyền thuốc, dịch và chất dinh dưỡng. Bên cạnh tiếp tục điều trị nội khoa tích cực, các bác sĩ cũng theo dõi sát sao các tình trạng tim mạch, huyết áp, kiểm soát đường huyết... Nhờ đó, tình trạng người bệnh tiến triển khả quan và phục hồi tốt, được rút ống nội khí quản, các chỉ số dần ổn định và vừa xuất viện. Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Người bệnh vừa có bệnh nền tăng huyết áp, rối loạn lipid máu vừa đái tháo đường type 2, song chủ quan không đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Thỉnh thoảng, anh còn tùy tiện dùng các bài thuốc nam theo mách bảo của người quen. "Điều này rất nguy hiểm vì các bệnh lý tim mạch thường diễn tiến âm thầm và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, nếu chủ quan thì hậu quả sẽ khôn lường", bác sĩ Trang cảnh báo. Những người có các bệnh lý nền như trên, việc điều trị và kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu là rất quan trọng để ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch cũng như các biến chứng. Cần đặc biệt chú ý việc kiểm tra, tầm soát định kỳ và có lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh. Trường hợp này, sau khi vượt qua cửa tử, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đều đặn. Bên cạnh đó, người bệnh cần thay đổi lối sống, ngưng sử dụng thuốc lá, rượu bia, nên tập luyện thể dục thể thao, tránh căng thẳng trong cuộc sống... Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tốt cho tim mạch như hạn chế ăn mặn, tránh sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nên ăn nhiều trái cây và rau củ..., để ngăn ngừa tái phát. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress