Thấy gì từ chuyến thăm của CEO Apple đến Việt Nam?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Apr 18, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 99)

    Theo các nhà phân tích, chuyến đi của CEO Apple Tim Cook cho thấy Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược của Apple.


    Ngày 15-16/4, Tim Cook lần đầu tới Việt Nam và có sáu cuộc gặp gỡ với quan chức chính phủ, nhà phát triển phần mềm, nhà sáng tạo nội dung và nghệ sĩ.

    Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, CEO Apple đề cập mong muốn thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam, cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do đối tác sản xuất trong nước, đồng thời đóng góp vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tăng khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam.

    Theo các nhà phân tích, chuyến đi của lãnh đạo Apple tới Việt Nam đem lại nhiều ý nghĩa về lâu dài, bao gồm việc thúc đẩy mở rộng chuỗi cung ứng, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Apple.

    [​IMG]

    CEO Apple Tim Cook tại Hồ Gươm ngày 15/4. Ảnh: Tuấn Hưng


    Việt Nam quan trọng trong chuỗi cung ứng Apple

    Trả lời VnExpress, nhà phân tích Ivan Lam của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Reseach đánh giá đây là động thái cho thấy Apple sẽ tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa hệ sinh thái sản xuất và chuỗi cung ứng của mình.

    "Việt Nam luôn là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple", ông Lam nói.

    Theo chuyên gia này, Việt Nam nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ, đồng thời có nền tảng lớn đến từ chuỗi cung ứng của Samsung. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động và chính sách thuận lợi, ổn định, giúp nhanh chóng mở rộng sản xuất.

    Thời gian qua, Việt Nam nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple. Theo thống kê về chuỗi cung ứng năm 2022 của Apple, Việt Nam đang là nơi đặt 27 cơ sở sản xuất của đối tác Apple, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Samsung, LG, Lens. Ngoài ra, các đối tác gia công lớn của hãng như Foxconn, Luxshare, Goertek cũng đang lắp ráp loạt sản phẩm như tai nghe AirPods, loa HomePod, đồng hồ tại Việt Nam, dự kiến mở rộng sang cả MacBook và iPad. "Việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam là cách để Apple phòng ngừa rủi ro về chuỗi cung ứng", theo CNBC.

    Với mục tiêu tăng trưởng doanh thu mảng dịch vụ, chuỗi cung ứng của Apple hiện nay còn là những nhà phát triển sản phẩm, ứng dụng. Một trong những hoạt động nổi bật của CEO Apple trong chuyến thăm lần này là gặp gỡ những nhà sáng tạo nội dung. Ông cũng đề cập đến mong muốn đẩy mạnh việc đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, trong đó có âm nhạc và điện ảnh thông qua những nền tảng như Apple Music.

    Đánh giá về động thái này, bà Quyên Phạm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) cho rằng đây là cơ hội chia đều cho cả hai bên.

    "Bản thân các nền tảng cũng cần những nội dung chất lượng cao để phục vụ khách hàng của mình. Trong khi việc phát hành trên các nền tảng xuyên biên giới lớn như của Apple sẽ tạo cơ hội cho những người làm nội dung Việt có thể tiếp cận với công chúng toàn cầu và được các nền tảng chia sẻ doanh thu", bà Quyên nói.

    Theo báo cáo của Apple từ 2019 đến nay, công ty đã chi gần 400 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD) thông qua chuỗi cung ứng, tăng gấp đôi mức chi hàng năm cho Việt Nam trong cùng kỳ. Hoạt động của công ty này hiện hỗ trợ hơn 200.000 việc làm thông qua hình thức việc làm trực tiếp, chuỗi cung ứng và nền kinh tế ứng dụng.

    Thị trường tiền năng cho sản phẩm Apple

    Trên tài khoản X, mỗi hoạt động tại Việt Nam đều được Tim Cook chia sẻ, trong đó ông khéo léo lồng ghép các tính năng của thiết bị Apple đã hỗ trợ cho các nhà phát triển và người làm nội dung như thế nào. Những hoạt động này có thể nhằm mục tiêu tăng sự hiện diện cho sản phẩm hãng tại Việt Nam.

    Trang CNBC đưa tin chuyến thăm của Tim Cook diễn ra trong bối cảnh doanh số quý I của iPhone trên toàn cầu giảm 10% so với cùng kỳ, đồng thời hãng đối mặt với sự cạnh tranh ở một số thị trường trọng điểm, như Trung Quốc.

    "CEO Tim Cook đã đến Việt Nam khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ tìm cách tăng doanh số bán hàng tại những thị trường mới", trang này viết.

    Theo nhà phân tích Bryan Ma của IDC, một trong những lý do Việt Nam quan trọng với Apple là "vì lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở đây". Theo báo cáo thị trường của đơn vị này, Apple hiện là hãng điện thoại có doanh số lớn thứ ba tại Việt Nam, sau Samsung và Oppo.

    Trong các cuộc họp báo cáo tài chính, Tim Cook cũng nhắc đến Việt Nam như một trong những ví dụ về sự tăng trưởng nhanh. Trong quý III/2023, CEO Apple cho biết đã đạt doanh thu kỷ lục tại Việt Nam, đồng thời mở cửa hàng trực tuyến để bán thiết bị trực tiếp tới người dùng. Thực tế, theo thống kê của các chuỗi bán lẻ trong nước, doanh số ngày đầu mở bán iPhone 14 và iPhone 15 đều đạt trên một nghìn tỷ đồng.

    [​IMG]

    CEO Apple Tim Cook gặp gỡ các nhà sáng tạo nội dung sáng 15/4. Ảnh: Tuấn Hưng


    Dù đứng trước nhiều cơ hội về lâu dài sau chuyến đi của Tim Cook, nhưng nhà phân tích Ivan Lam cho rằng Việt Nam cũng cần chú trọng đầu tư, phát triển và cải thiện liên tục cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ các hãng, cũng như hướng tới trở thành trung tâm sản xuất của Đông Nam Á.

    Lưu Quý


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Thấy gì từ chuyến thăm của CEO Apple đến Việt Nam?

Share This Page