Phát bệnh tâm thần do nghiện rượu

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 17, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 71)

    [​IMG]

    Lạng SơnNgười đàn ông 43 tuổi, nhập viện trong tình trạng mê sảng, ảo giác, co giật, bác sĩ chẩn đoán rối loạn tâm thần do nghiện rượu.


    Gia đình cho biết bệnh nhân nghiện rượu hơn chục năm, nhiều lần chỉ uống rượu chứ không ăn, không ngủ. Người bệnh từng nhập viện hai lần do rối loạn tâm thần, về nhà anh lại tiếp tục uống nên sức khỏe suy giảm, tính khí thay đổi, hay cáu gắt và không chịu làm việc. Lần này, anh uống rượu liên tục, không ăn, sau đó lên cơn mê sảng, co giật, ảo giác, nhập viện cấp cứu lần thứ ba.

    Ngày 17/4, bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà, Phó Trưởng khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cho biết bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu, chỉ định nhập viện điều trị.

    Theo bác sĩ Hà, ba tháng đầu năm, đơn vị tiếp nhận gần 100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu. Biểu hiện bệnh như mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ. Nhiều người gặp ảo giác, đánh người, gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh.

    "Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người lạm dụng rượu", bác sĩ nói.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Trung bình mất khoảng một giờ để cơ thể phân hủy một đơn vị rượu. Thời gian này có thể sớm hay muộn hơn tùy theo tuổi, cân nặng... của người uống. Rượu ảnh hưởng đến toàn bộ các bộ phận cơ thể, nặng nhất là não và hệ thần kinh trung ương, đến gan, thận, tim, dạ dày... Dạ dày hấp thu nhanh 20% rượu, sau đó đến ruột non và lên não.

    Trong đó, rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bệnh phức tạp, khó điều trị.

    Để điều trị, bác sĩ phải theo dõi sát sao các diễn biến, biểu hiện bệnh kết hợp động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý bệnh nhân và người nhà. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân sau điều trị lại tái sử dụng rượu. Do đó, bản thân người bệnh cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ. Gia đình cần động viên để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu.

    Khi người bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần do rượu, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà.

    Trong trường hợp cần uống rượu, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ; không nên uống quá 5 ngày/tuần. Cụ thể, đối với nam không nên uống quá 1-1,5 chai hoặc lon bia/ngày; hai cốc bia/ngày, không quá hai ly rượu vang/ngày, hai ly rượu (40 độ)/ngày. Nữ uống với lượng bằng một nửa của nam.

    Thùy An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Phát bệnh tâm thần do nghiện rượu

Share This Page