Núi lửa duy nhất trên Trái Đất phun dung nham đen

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 17, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 96)

    Châu PhiNúi lửa Ol Doinyo Lengai phun loại dung nham khác thường giàu carbonate, không nóng đỏ mà đen nhớt giống dầu máy.

    [​IMG]

    Núi lửa Ol Doinyo Lengai phun dung nham đen. Video: Photovolcanica


    Ol Doinyo Lengai là một trong những núi lửa kỳ lạ nhất trên Trái Đất, thậm chí trong hệ Mặt Trời. Nhìn từ xa, ngọn núi này không có gì đặc biệt, nhưng khi nhìn vào miệng phun phía bắc, người quan sát sẽ thấy nó phun ra một dạng dung nham đen độc đáo, tương đối nguội và chảy như dầu máy.

    Nằm ở Đới tách giãn Đông Phi, phía bắc Tanzania, Ol Doinyo Lengai là núi lửa đang hoạt động duy nhất được biết đến với khả năng phun dung nham gốc carbon, hay dung nham natrocarbonatite. Có một số bằng chứng cho thấy núi lửa trên sao Kim cũng có thể từng phun dung nham natrocarbonatite, nhưng trên Trái Đất, Ol Doinyo Lengai là núi lửa duy nhất hoạt động như vậy.

    Đa số núi lửa phun loại dung nham giàu khoáng chất silicate, khiến nhiệt độ nóng chảy lên tới hơn 900 độ C. Dung nham của Ol Doinyo Lengai tương đối ít silicate nhưng chứa rất nhiều khoáng chất carbonate, cho phép dung nham duy trì trạng thái lỏng ở mức nhiệt chỉ 540 độ C. Việc thiếu silicate khiến dung nham cực kỳ nhớt. Khi một vụ phun trào xảy ra, thay vì phun dung nham nóng đỏ, ngọn núi trông như đang phun dầu máy đen.

    Với độ nhớt của dung nham, các nhà khoa học ngạc nhiên khi Ol Doinyo Lengai có thể phun trào dữ dội như vậy. Loại phun trào bùng nổ thường xảy ra ở các núi lửa khác vì bọt khí có thể bị mắc kẹt trong dung nham đặc và sệt. Ol Doinyo Lengai vẫn có thể phun trào dữ dội với dòng dung nham lỏng có thể do chứa đầy CO2 hòa tan và các loại khí khác, khiến nó sủi bọt như nước có ga.

    Với chiều cao 2.962 m, núi lửa này có hai miệng phun, nhưng chỉ có miệng phun phía bắc phun trào. Thời kỳ phun trào gần đây nhất bắt đầu vào tháng 4/2017 và vẫn tiếp diễn theo báo cáo mới nhất vào tháng 3/2024.

    Năm 2009, một nhóm nhà nghiên cứu núi lửa thu thập các mẫu khí từ Ol Doinyo Lengai để tìm hiểu dòng dung nham gốc carbon độc đáo. Họ phát hiện, thành phần của chúng rất giống với những loại khí phun ra từ các sống núi giữa đại dương, dù Ol Doinyo Lengai nằm khá sâu trong đất liền.

    Điều này khiến nhóm nghiên cứu kết luận, dung nham giàu carbon sinh ra do các khoáng chất tan chảy ở lớp phủ trên - lớp đá dày ngay bên dưới vỏ Trái Đất. "Tính chất hóa học và cấu tạo đồng vị của các khí cho thấy, CO2 bắt nguồn trực tiếp từ lớp phủ trên, bên dưới Đới tách giãn Đông Phi", David Hilton, giáo sư địa hóa học tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego, đồng tác giả của nghiên cứu năm 2009, cho biết.

    Đới tách giãn Đông Phi đã hoạt động kiến tạo trong khoảng 25 triệu năm và vẫn là một trong những điểm nóng địa chất thú vị nhất thế giới. Đây là một vết nứt khổng lồ trong mảng châu Phi đang tách ra xa nhau với tốc độ vài mm mỗi năm. Qua thời gian dài, cuối cùng nó có thể xé đôi châu Phi, tạo ra đại dương mới giữa Đông Phi và phần còn lại của mảng châu Phi. Ngoài Ol Doinyo Lengai, Đới tách giãn Đông Phi cũng góp phần tạo nên nhiều ngọn núi cao chót vót trong vùng như núi Kilimanjaro, núi Kenya.

    Thu Thảo (Theo IFL Science)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Núi lửa duy nhất trên Trái Đất phun dung nham đen

Share This Page