Hiện tượng ấm lên toàn cầu đẩy nhanh quá trình các mảnh thiên thạch chìm sâu xuống băng ở châu Nam Cực, làm mất vật liệu nghiên cứu quý giá. Châu Nam Cực là địa điểm lý tưởng để săn thiên thạch. Ảnh: José Jorquera/Đại học Santiago, Chile Châu Nam Cực có lượng lớn mảnh thiên thạch tập trung trên bề mặt. Do đó, lục địa băng giá này chứa nhiều thông tin vô giá về hệ Mặt Trời, cho phép con người tìm hiểu về quá trình xuất hiện của sự sống trên Trái Đất, sự hình thành của Mặt Trăng và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, các mảnh thiên thạch đang biến mất nhanh chóng do hiện tượng ấm lên toàn cầu, theo nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học từ Đại học Libre de Bruxelles (ULB), Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich), Viện Nghiên cứu Rừng, Tuyết và Cảnh quan Liên bang Thụy Sĩ (WSL) Birmensdorf và Đại học Vrije Brussel (VUB), SciTechDaily hôm 12/4 đưa tin. Sự biến mất này sẽ ảnh hưởng lớn đến kiến thức của con người về sự sống ngoài Trái Đất. Hiện có ít nhất 300.000 mảnh thiên thạch trên bề mặt tấm băng Nam Cực. Do hiện tượng ấm lên, mỗi năm có khoảng 5.000 mảnh thiên thạch biến mất, nhanh gấp 5 lần tốc độ thu thập. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kết hợp các quan sát vệ tinh về châu Nam Cực với những dự báo mô hình khí hậu, nhóm nhà khoa học ước tính, đến năm 2050, khoảng 1/4 số mảnh thiên thạch sẽ biến mất. Con số này có thể tăng lên 3/4 vào cuối thế kỷ này, tùy thuộc vào lượng phát thải khí nhà kính trong tương lai. "Kể cả khi nhiệt độ băng ở mức dưới 0 độ C, những mảnh thiên thạch tối màu vẫn ấm lên rất nhiều dưới ánh Mặt Trời và có thể làm tan phần băng ngay bên dưới. Với quá trình này, mảnh thiên thạch ấm tạo ra một vết lõm cục bộ trên băng và qua thời gian, nó mất hút hoàn toàn dưới bề mặt. Khi nhiệt độ khí quyển tăng, nhiệt độ bề mặt băng cũng tăng, do đó đẩy mạnh quá trình này vì cần ít nhiệt từ thiên thạch hơn để làm tan băng cục bộ", Veronica Tollenaar, nhà khoa học tại ULB, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích. "Để bảo vệ vật liệu ngoài Trái Đất vô giá này, chúng ta cần tăng cường thu thập mảnh thiên thạch ở châu Nam Cực trước khi mất chúng do biến đổi khí hậu. Tương tự như việc thu thập lõi băng từ những sông băng đang biến mất hay lấy mẫu các rạn san hô trước khi chúng bị tẩy trắng, nghiên cứu của chúng tôi xác định việc mất thiên thạch là một tác động không mong đợi của biến đổi khí hậu mà chúng ta cần giải quyết", Harry Zekollari, chuyên gia tại VUB, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Thu Thảo (Theo SciTechDaily) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress