Nguyễn Đức, người em trong song sinh dính liền Việt - Đức, sau ca mổ tách 36 năm trước vẫn sống với một quả thận, một chiếc chân và đeo ống thông phải thay định kỳ hai tuần một lần. Đức năm nay 43 tuổi, khi chào đời dính liền với anh Việt ở phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn. Hai anh em có chung hai chân và một chân cụt. Cả hai trải qua ca đại phẫu huyền thoại tách rời ngày 4/10/1988. Khi ấy các bác sĩ cân nhắc kỹ phương án mổ và cấu trúc giải phẫu chung giữa Việt - Đức, cuối cùng dành nhiều phần cơ thể tương đối hoàn chỉnh hơn cho người em. Nhờ đó, khi tách, Đức có được một chân, một thận, còn Việt sống thực vật 19 năm. Nguyễn Đức lớn lên lập gia đình và có 2 con sinh đôi một trai một gái, nay 15 tuổi. Hiện Đức là Đại sứ hòa bình Việt Nam tại Nhật, ủy viên ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Nhật tại TP HCM. Anh sáng lập kiêm giám đốc tổ chức phi lợi nhuận NPO Duc Nihon - Vì một thế giới đẹp tươi. Song sức khỏe của anh không tốt, thường xuyên ra vào viện. Ngày 11/4, ThS.BS Lê Trọng Thiên Long, Bệnh viện Bình Dân, cho biết Đức chỉ có một quả thận, đường niệu quản (hệ thống ống dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang) bị teo hẹp. Đức phải đeo ống thông bằng silicon mềm mở từ thận ra da giúp thận đỡ làm việc quá nhiều, giảm nguy cơ bị ứ nước gây nhiễm trùng, suy thận... Do có bất thường giải phẫu bẩm sinh nên thận trái của Đức không ở đoạn cao hông lưng mà gần phần bụng. Ống thông ra ngoài đặt gần bụng nên Đức vẫn nằm ngửa được, ít bị ảnh hưởng sinh hoạt. Ống thông này phải thay định kỳ hai tuần một lần để đảm bảo an toàn. "Đức có kiến thức và thích nghi sau mổ tạo hình niệu quản khá tốt, tuân thủ thay ống thường xuyên nên ít gặp các biến chứng do bế tắc gây sốt", bác sĩ Long nhận xét. Nguyễn Đức trong một lần đi nói chuyện tại Nhật, tháng 11/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp 7 năm trước, Nguyễn Đức nhập viện cấp cứu do nhiễm trùng đường tiết niệu, thận ứ nước. Khi ấy, anh đứng trước nguy cơ phải đeo ống thông dẫn lưu nước tiểu suốt đời và nguy cơ biến chứng trên chức năng của thận. Anh trải qua 5 lần phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân, gồm 4 cuộc mổ nội soi và một lần mổ hở, sửa chữa bất thường niệu đạo, tạo hình niệu quản để giúp đi tiểu bình thường. Trả lời VnExpress, Nguyễn Đức cho biết sau các cuộc mổ, anh vẫn đi làm lo kinh tế gia đình, chia sẻ việc nhà với vợ, đưa đón con, nhưng hay mệt hơn. Anh không thể vận động mạnh, không chơi thể thao được như trước nên sức đề kháng giảm, dễ bệnh vặt. Trước đây, dù chỉ có một chân, anh vẫn chơi nhiều môn thể thao với tâm niệm "phải thật khỏe để sống cả phần đời dang dở thay anh Việt" - người đã hy sinh nhiều phần cơ thể, nhường lại cho Đức các bộ phận có chung. "Có lúc chạy xe, ống thông va đập vào thận gây đau đớn nhưng duy trì được như bây giờ đã là tốt rồi, phải cố gắng và lạc quan thôi", anh Đức nói. Mỗi tháng, anh tốn khoảng vài triệu đồng cho việc điều trị này. Mới đây, phim Dearest Viet của đạo diễn Kohei Kawabata được chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP HCM, khiến nhiều khán giả khóc. Bộ phim tài liệu ghi lại những khoảnh khắc đời thường của Nguyễn Đức bên vợ và hai con. Những ngày qua, Đức đang ở Nhật để công chiếu bộ phim. Nguyễn Đức giao lưu tại buổi chiếu Dearest Viet trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP HCM, tối 8/4. Ảnh: HIFF Cặp song sinh dính nhau Việt - Đức chào đời tại Sa Thầy, Kon Tum, ngày 25/2/1981. Ban đầu cả hai điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đầu tháng 12/1982 chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Sau hơn ba tháng được Hội chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo điều trị, ngày 29/10/1986 cả hai trở về Việt Nam. Ca đại phẫu huyền thoại tách rời hai anh em diễn ra ngày 4/10/1988, trở thành dấu mốc son trong lịch sử y học Việt và ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress