Số ca tay chân miệng tăng gấp đôi, chủ yếu ở miền Nam

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 10, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 100)

    Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 75% số ca ở miền Nam.


    Thông tin được TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chiều 10/4.

    Số ca chân tay miệng ghi nhận chủ yếu ở miền Nam với trên 7.500 trẻ, chiếm 74%; trong khi miền Bắc có 1.000 ca, miền Trung 1.000, Tây Nguyên 200. Đa số bệnh nhi dưới 5 tuổi, lây nhiễm ở cơ sở giáo dục mầm non. Hiện, chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng.

    Năm ngoái, chủng Enterovirus 71 (EV71) đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao chiếm ưu thế là một trong các nguyên nhân khiến dịch tay chân miệng tăng ở phía Nam. Khu vực ghi nhận 23 trẻ tử vong, trong đó 5 ca do chủng EV71.

    Hiện, miền Nam vào mùa nắng nóng cũng là một trong tác nhân khiến số ca tay chân miệng tăng, theo quy luật của các bệnh truyền nhiễm.

    [​IMG]

    Trẻ tay chân miệng nặng điều trị tại phòng cấp cứu Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, được cố định tay chân vào giường để tránh kích thích. Ảnh: Lê Phương


    Tay chân miệng là bệnh do nhiều loại virus gây nên, lây lan từ người sang người và nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Triệu chứng là sốt (nhẹ hoặc cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...). Một số trẻ chỉ loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu không chú ý thì rất khó phát hiện.

    Đa phần trẻ mắc bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.

    Theo ông Đức, tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, các em sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học rất dễ lây nhiễm.

    Chuyên gia khuyến cáo người chăm sóc trẻ cần đảm bảo ba sạch, gồm ăn uống, ở, bàn tay và đồ chơi sạch. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

    Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, mông, đầu gối, cần đưa các em đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Trẻ bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát.

    Lê Nga


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Số ca tay chân miệng tăng gấp đôi, chủ yếu ở miền Nam

Share This Page