Cứ ba người trưởng thành có một bị tăng huyết áp, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng nên nhiều người chủ quan, lâu ngày dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận. "Tăng huyết áp được xem là kẻ giết người thầm lặng bởi không triệu chứng điển hình, nhiều người khỏe mạnh bình thường nhưng đo chỉ số huyết áp lại rất cao", ThS.BS Võ Thanh Phong, nói tại buổi tư vấn sức khỏe cộng đồng do Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM tổ chức, ngày 9/4. Tăng huyết áp là tình trạng tăng liên tục của huyết áp tâm thu lúc nghỉ (≥ 130 mmHg) hoặc huyết áp tâm trương lúc nghỉ (≥ 80 mm Hg), hoặc cả hai. Bệnh diễn tiến thầm lặng, cứ ba người bị tăng huyết áp thì có một không biết mình bị bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là thủ phạm hàng đầu gây đột quỵ. Thời gian qua, các bệnh viện lớn tại TP HCM tiếp nhận khá nhiều người 20-30 tuổi đột quỵ xuất huyết não, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, nguyên nhân là không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh này. Tăng huyết áp lâu ngày không kiểm soát tốt có thể biến chứng ở tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim. Ở thận, tăng huyết áp làm tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ. Bệnh cũng có thể gây giảm thị lực, mù lòa, xơ vữa mạch máu dẫn đến đau chân khi đi lại, thậm chí loét, hoại tử phải đoạn chi gây tàn phế. Tăng huyết áp cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn cương dương, đặc biệt nếu kèm đái tháo đường, hút thuốc lá. Nhân viên y tế đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần Bác sĩ cho rằng bệnh đang dần có dấu hiệu trẻ hóa. Trước đây, tăng huyết áp hay xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên, nay giảm dần độ tuổi. Nhiều người thường chủ quan, chỉ uống thuốc khi có triệu chứng, ngưng thuốc khi huyết áp đã về bình thường, sợ rằng uống thuốc lâu dài có hại cho sức khỏe. Bác sĩ Phong cho rằng đây là những quan niệm sai lầm. Bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà phải kiểm soát lâu dài, theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh đang điều trị bằng thuốc hạ áp của Tây y, phối hợp thêm thuốc y học cổ truyền sẽ kiểm soát huyết áp tốt hơn, giảm các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, hồi hộp. Ngoài ra, phối hợp với thuốc y học cổ truyền còn giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc Tây y, góp phần làm giảm nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp. Các bài thuốc y học cổ truyền thường dùng là lục vị địa hoàng hoàn, thiên ma câu đằng ẩm, ngưu hoàng giáng áp hoàn, kỷ cúc địa hoàng hoàn. Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt cũng được ứng dụng trong điều trị tăng huyết áp với mục đích giảm các triệu chứng đi kèm. Cấy chỉ, thủy châm, nhĩ châm là những phương pháp điều trị mới cũng được đưa vào gần đây nhằm tăng hiệu quả điều trị. Bác sĩ Phong khuyến cáo người bệnh thực hiện chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi. Giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, hạn chế các loại thức ăn, thức uống công nghiệp. Nhiều loại củ quả như khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành có lượng kali rất cao, đặc biệt là chuối. Ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần. Nên ăn 3 bữa một ngày trong đó khoảng một nửa thực phẩm là chất bột, rau xanh, trái cây. Giảm chất ngọt, ăn nhiều chất xơ hòa tan như các loại đậu, khoai lang, bí đao. Không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Tập luyện thể dục thể thao, hoạt động tích cực ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần. Tùy theo tình trạng sức khỏe có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, hay tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ, nâng dần tốc độ hoặc thời gian tập. Người bệnh cần tự theo dõi huyết áp tại nhà, uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, ngủ đủ giấc. Không tự ý sử dụng thuốc tùy tiện, tránh căng thẳng. Khi huyết áp cao đột ngột, cần nằm nghỉ ngơi, đo lại sau 15 phút, nếu không giảm thì nhập viện, không tự ý uống thuốc hạ áp. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress