Hỏng mặt bởi ham mỹ phẩm rẻ mua theo lố

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 10, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 91)

    TP HCMSau hai tháng sử dụng 5 sản phẩm trị nám, giá một triệu đồng, da chị Lan bong tróc, ngứa, rát đỏ, bác sĩ chẩn đoán bị tai biến da do corticoid.


    Chị Lan, 50 tuổi, mua sản phẩm qua kênh bán hàng qua livestream (phát trực tiếp qua mạng). Sau 8 tuần sử dụng, chị thấy da mỏng, khô, bề mặt da xuất hiện những mạch máu nhỏ li ti, dễ bị đỏ và ngứa rát khi ra nắng, sau khi rửa mặt.

    Bác sĩ Ngô Anh Tuấn, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết da người bệnh bị tai biến, do sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng, không trị được nám hay thu nhỏ lỗ chân lông như quảng cáo. Đặc biệt, khi xét nghiệm sản phẩm, bác sĩ phát hiện có thành phần corticoid.

    Có hai loại thường được pha trộn nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da kém chất lượng này là hoạt chất tẩy lột da và hoạt chất kháng viêm (corticosteroid). Tuy nhiên, người mua không xác định được nồng độ dẫn đến tình trạng bong lột da, bỏng da, "lâu dài có thể dẫn tới tình trạng mỏng da, da nhạy cảm, giãn mạch máu và suy yếu hàng rào bảo vệ da, không thể phục hồi".

    Như Lan, 18 tuổi, được tư vấn do nhờn nên phải mua sản phẩm tẩy tế bào chết để lấy hết các chất bẩn gây bít tắc trên da. Người bán khuyên cô dùng thêm sản phẩm cấp ẩm, từ tinh chất cho tới kem đêm, kem ngày. Sau khi dùng sản phẩm, da mặt Lan bị nổi các cục nhọt to, cứng, sưng viêm tái đi tái lại, đau nhức.

    Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, xác định bản chất da của Lan là da dầu, tẩy tế bào chết quá đà dẫn tới mất cân bằng thảm vi sinh vật trên bề mặt da. Lúc này, các vi sinh vật có lợi thường trú trên da cũng bị tiêu diệt dần, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cơ hội sinh sôi mạnh khiến bệnh nhân lầm tưởng rằng da bị khô. "Nếu tích cực bôi đắp các sản phẩm cấp ẩm khiến tình trạng da dầu thêm trầm trọng, sinh ra bít tắc, nổi nhọt", bác sĩ nói. Ngoài ra, mỹ phẩm bệnh nhân dùng không có nguồn gốc, thành phần không hỗ trợ phục hồi.

    [​IMG]

    Bác sĩ kiểm tra tình trạng da cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp


    Hình thức bán hàng qua livestream ngày càng phát triển. Tận dụng cơ hội, nhiều công ty dược phẩm bán qua livestream thu hút hàng triệu lượt xem, không thông qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

    PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết tình trạng mua hàng qua phiên livestream dễ mua phải hàng "dỏm" dẫn đến phản ứng phụ, nguy hiểm sức khỏe. Người dùng không được kiểm tra bao bì, nhãn mác và các thành phần của sản phẩm bằng mắt thường dẫn đến nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái rất cao. Ngoài những người nhẹ dạ cả tin, nhiều người hiểu biết, có nhiều mối quan hệ, có điều kiện kinh tế, tiếp cận nhiều thông tin vẫn "nghiện" mua hàng qua mạng.

    Nguyên nhân do người dân dễ dãi với sức khỏe, chủ quan, bỏ ngoài tai chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, mua mỹ phẩm qua mạng đơn giản, giá rẻ, vận chuyển tận nhà nên được mọi người lựa chọn. Nhiều chị em thấy sản phẩm trên mạng được giảm giá mạnh, mua càng nhiều càng rẻ, liền đặt "cả lố" về dùng, không quan tâm có phù hợp với cơ địa của mình hay không.

    "Trường hợp thiếu tỉnh táo, tùy tiện sử dụng các sản phẩm chăm sóc da sẽ phản tác dụng, thậm chí rối loạn miễn dịch gây ra các bệnh lý toàn thân", bác sĩ Thanh nói. Chẳng hạn, làn da chăm sóc sai cách dễ bị kích ứng, viêm nhiễm. Tình trạng này kéo dài, tái đi tái lại còn có nguy cơ làm rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể, khởi phát các bệnh lý toàn thân khác.

    Bác sĩ khuyến cáo mọi người không tùy tiện sử dụng các sản phẩm chăm sóc da qua mạng. Khi mua hàng, bạn cần tỉnh táo, không mua hàng theo xu thế trên mạng xã hội. Nên hiểu rõ làn da của mình, không chạy theo quảng cáo và sử dụng sản phẩm rẻ, không rõ nguồn gốc.

    Người bệnh cần hiểu rõ tình trạng da và đi khám khi da có bất thường. Bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng da của mỗi người và hướng dẫn cách chăm sóc cơ bản cũng như hướng dẫn lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp.

    Hiện, pháp luật chưa có quy định cụ thể về hình thức bán hàng qua livestream. Bộ Y tế cho rằng cần xây dựng quy định để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này để bảo vệ người tiêu dùng.


    *Tên nhân vật được thay đổi

    Thùy An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Hỏng mặt bởi ham mỹ phẩm rẻ mua theo lố

Share This Page