Hà NộiLan Nhi nặng 75 kg nhưng nghiện tiêu thụ đồ ngọt như bánh, sữa, thậm chí ăn thay cơm, "càng bị chê béo càng ăn nhiều". Lan Nhi 25 tuổi, ở Đống Đa, nghiện ăn đồ ngọt từ nhỏ. Món khoái khẩu của cô là bánh gato, bánh mì tẩm đường, phô mai, sữa đặc. Sau mỗi bữa cơm, cô uống thêm một cốc sữa hoặc ăn quả ngọt như xoài, sầu riêng mới cảm thấy no bụng. Nhiều lần bị miệt thị ngoại hình, Nhi stress và ăn nhiều hơn. "Đồ ngọt là cứu tinh giúp mình giảm căng thẳng, vui vẻ, không bực dọc nữa". Nhi nói và cho biết ăn uống là niềm vui duy nhất mỗi ngày. Thấy con gái béo phì, vận động nặng nhọc, mẹ động viên cô đi khám. Kết quả Nhi bị tiền đái tháo đường, thừa cân, rối loạn chuyển hóa, gan nhiễm mỡ, đa nang buồng trứng. Bác sĩ yêu cầu cô phải giảm cân để cải thiện sức khỏe. Cô dành 30 phút mỗi ngày để tập luyện, song không bỏ được thói quen ăn đồ ngọt nên cân nặng gần như không thay đổi. Cũng "cưỡng ép" giảm cân do béo phì, Ngọc, 27 tuổi, ở Hà Đông, phải kiêng đồ ngọt, dầu mỡ, các loại nước có gas, nhiều đường. Sau một tuần "thử nghiệm", Ngọc càng thèm ăn hơn, trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến ăn uống. Kiêng đồ ngọt khiến cô gái bức bối, mệt mỏi, khó ngủ, không thể tập trung làm việc. Ngoài ra, ngoại hình cũng không cải thiện, da mặt xạm đi, nhăn nheo, mọc mụn. Ngọc quyết định quay lại với sở thích ăn uống như trước, thậm chí ăn gấp đôi để bù lại. Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết khi ăn thực phẩm chứa đường, các hormone vui vẻ như dopamine, endorphine được giải phóng, làm giảm cảm giác căng thẳng. Não cũng cần nguồn năng lượng chính từ glucose, do đó khi ăn ngọt khiến não bộ có cảm xúc, hưng phấn, giúp xoa dịu tâm trạng hiệu quả. Tuy nhiên, lạm dụng đường sẽ khiến tuyến tụy hoạt động quá mức, tăng lượng insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Thói quen này cũng làm cạn kiệt khả năng sản xuất insulin của tụy và đề kháng insulin khiến tế bào bị đói glucose, kể cả tế bào não. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường liên quan đến suy giảm nhận thức, rối loạn lo âu, trầm cảm và nghiện. Lạm dụng đồ ngọt không phải phương pháp lâu dài để điều trị stress, giải tỏa căng thẳng. "Nhiều người cảm thấy giảm stress khi ăn đồ ngọt, nhưng lâu dần bị nghiện ngọt, dẫn đến bệnh tật", bác sĩ nói và cho rằng tỷ lệ người Việt nghiện, tiêu thụ đồ ngọt ngày càng tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường. Năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần. Kết quả điều tra sức khỏe học sinh sinh viên năm 2019 của WHO tại Việt Nam cho thấy 34% học sinh 13-17 tuổi sử dụng nước ngọt có gas ít nhất một lần trong ngày. Điều tra tương tự vào năm 2013 ghi nhận con số này là 30%. Mỗi ngày, Lan Nhi phải ăn đồ ngọt mới cảm thấy vui vẻ, giảm stress. Ảnh: Nhân vật cung cấp Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đường gây hại cho cơ thể theo nhiều cơ chế khác nhau. Đường có thể gây rối loạn chuyển hóa do làm tăng các loại chất béo khác nhau trong cơ thể, dẫn đến tăng cân và béo phì, đái tháo đường, thậm chí suy thận mạn tính. Hiện, Việt Nam ghi nhận khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh, thận. Tiêu thụ nhiều đường glucose làm tăng khả năng hấp thụ muối natri tại ruột non, khiến thận phải làm việc nhiều hơn để thải muối dư thừa. Đường ức chế cơ thể sản xuất oxit nitric (NO), một hợp chất kích thích thành mạch co giãn. Ăn nhiều đường kích thích sự thu hẹp của mạch máu, gây tăng huyết áp, hại gan, thận. Ngoài ra, đường fructose có thể làm tăng lượng canxi và oxalate trong nước tiểu, tạo điều kiện hình thành các tinh thể canxi oxalate và gây sỏi thận. Uống 354-704 ml đồ uống có đường mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn bình thường 26%, nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa cao hơn 20%, bác sĩ Huỳnh Nam Phương, Phó giám đốc đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ. Một nghiên cứu của Đại học Texas, Mỹ, đường làm tăng dopamine (hormone hạnh phúc), tăng dopamine lại kéo theo cảm giác thèm đường, tạo thành vòng luẩn quẩn. Bác sĩ khuyên mọi người hạn chế thực phẩm có nhiều đường để bảo vệ sức khỏe. Hạn chế thức ăn vặt như bánh ngọt, bánh quy, kẹo, chocolate, đậu phộng bơ, khoai tây chiên, nước sốt và gia vị đóng hộp, hoa quả và ngũ cốc sấy khô. Giảm tiêu thụ đồ uống có đường như nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu. WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn dưới 25 g đường một ngày (kể cả uống), bằng một nửa so với mức trung bình một người Việt ăn hiện nay. Người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể hàng ngày. Tỷ lệ này nếu dưới 5%, tương đương 25 g hoặc 5 muỗng cà phê, sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Trẻ em dưới hai tuổi không nên dùng bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường. *Tên nhân vật được thay đổi Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress