Chính phủ Ấn Độ cho biết đang giải cứu những công dân bị buộc làm việc và tham gia các âm mưu lừa đảo trực tuyến ở Campuchia. Cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết Đại sứ quán Ấn Độ tại Campuchia đã làm việc với chính quyền nước này để giải cứu và hồi hương khoảng 250 người ở đây, riêng ba tháng đầu 2024 là 75 người. Theo Jaiswal, hơn 5.000 người Ấn Độ đang mắc kẹt ở Campuchia và phải thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng nhằm vào chính người dân ở Ấn Độ. "Chúng tôi cũng đang làm việc với chính quyền Campuchia và các cơ quan ở Ấn Độ để truy quét những kẻ chịu trách nhiệm về các âm mưu lừa đảo này", ông Jaiswal nói với báo giới. Đại sứ quán Campuchia tại Ấn Độ chưa đưa ra bình luận. Các nghi phạm Trung Quốc (áo cam) bị bắt vì liên quan đến đường dây lừa đảo qua mạng, chuẩn bị bị trục xuất tại sân bay ở Phnom Penh, Campuchia, hồi tháng 10/2017. Ảnh: Reuters Al Jazeera dẫn lời các chuyên gia năm 2022 rằng hoạt động lừa đảo trực tuyến ở Campuchia đánh cắp hàng chục tỷ USD mỗi năm. Nhiều hình thức lừa đảo được thực hiện, như "làm nhiệm vụ" để nhận thưởng, nạp tiền vào website cá độ hoặc cờ bạc, lừa đảo tình cảm... Những kẻ lừa đảo không chỉ nhắm đến đồng hương, mà còn cả những mục tiêu ở quốc gia khác khi có thể. Việt Nam cũng là một trong những nơi có nhiều công dân bị ép làm việc liên quan đến lừa đảo ở Campuchia. Các đường dây dùng mạng xã hội lôi kéo người Việt vượt biên trái phép sang Campuchia với lời hứa "việc nhẹ, lương cao", không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, hứa hẹn sẽ hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh. Phó cục trưởng An toàn thông tin Trần Quang Hưng cho biết hồi tháng 6/2023 rằng các nhóm lừa đảo không chỉ có cơ sở ở Việt Nam mà phần lớn tập trung ở các nước lân cận. "Trước đây, chúng ta đã biết tới các tổ chức lừa đảo người Việt nhưng ở Campuchia, nay xuất hiện thêm ở Lào, Philippines. Họ hình thành các nhóm lớn với nhiều người Việt tham gia để lừa đảo người Việt", ông Hưng cho hay. Bảo Lâm (theo Reuters) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ