Bệnh trĩ ở tuổi 20

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 1, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 119)

    TP HCMSau thời gian dài táo bón, tiêu ra máu, Minh, 20 tuổi, đến viện khám, bác sĩ kết luận bệnh trĩ, tình trạng hiếm gặp ở độ tuổi này.


    Chàng trai mê chơi game nên thường ngồi hàng giờ bên máy tính, lười uống nước, ít vận động. Gần đây, búi trĩ sa ra ngoài gây chảy máu tươi rất nhiều, phải thường xuyên dùng tay đẩy trở lại, ảnh hưởng học hành, sinh hoạt.

    "Những ngày đầu sau mổ, cảm giác đau rất kinh khủng", Minh nói, thêm rằng sẽ điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ lên bàn mổ lần nữa.

    PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân, cho biết bệnh trĩ ở người trẻ trước đây khá ít gặp, nay tăng dần, không hiếm những ca ở tuổi 20. Trĩ không quá nguy hiểm, song nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề như nhiễm trùng, thiếu máu, tắc mạch, hoại tử khối trĩ... Bệnh rất dễ tái phát nếu gặp những điều kiện thuận lợi, chưa có phương pháp điều trị dứt hẳn.

    Nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Bình Dân trên khoảng 1.000 bệnh nhân mổ trĩ, ghi nhận 60% dưới 50 tuổi, trong đó nhiều trường hợp ở tuổi 20-30. Bác sĩ đánh giá bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, gây nhiều bất tiện, phiền toái đến công việc, cuộc sống ở người đang tuổi lao động. Gần đây, bệnh viện còn tiếp nhận trường hợp 16 tuổi mắc trĩ - điều trước đây rất hiếm thấy.

    Theo phó giáo sư Hải, có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ. Các nghiên cứu ghi nhận bệnh trĩ ở người trẻ thường có những đặc trưng riêng với 6 nguyên nhân nổi bật, gồm: thừa cân béo phì (BMI từ 25 trở lên), béo bụng (vòng eo nam lớn hơn 90 cm, nữ lớn hơn 80cm), có thai, trầm cảm (thường có xu hướng rối loạn ăn uống, giảm hoạt động thể lực), lười vận động, ít uống nước.

    Trong đó, mỡ trong cơ thể, mỡ nội tạng làm cản trở sự hồi lưu của tĩnh mạch, gây ứ đọng tĩnh mạch trĩ. Đồng thời, ở người béo phì, mỡ tiết ra chất gây viêm, thúc đẩy tạo ra trĩ. Việc ngồi nhiều, ít hoạt động làm tăng áp lực vùng chậu, tăng nguy cơ mắc trĩ.

    "Nhiều người trẻ ngày nay tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thiếu chất xơ, cũng là yếu tố nguy cơ bệnh trĩ", phó giáo sư Hải nói.

    Nhiều người mắc trĩ khi mang thai, bởi thai kỳ làm tăng áp lực vùng chậu, cản trở hồi lưu tĩnh mạch. Một số người mắc trĩ khi còn trẻ, chưa sinh con, song không điều trị vì triệu chứng nhẹ, đến lúc mang thai thì diễn tiến nặng. Lúc này, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, bác sĩ phải cân nhắc rất nhiều khi dùng thuốc, khiến thai phụ phải chịu đựng nhiều triệu chứng khó chịu.

    Mới đây, bệnh viện tiếp nhận thai phụ 29 tuổi khám do đau ngứa hậu môn. Sau sinh con đầu lòng, cô hay đi tiêu ra máu, song không quá khó chịu nên không đi khám. Lần mang thai thứ hai này, các triệu chứng trầm trọng, "không thể chịu đựng nổi". Bác sĩ hướng dẫn ngâm nước nóng, cách vệ sinh, bôi thuốc để giảm thiểu triệu chứng, đồng thời điều chỉnh thói quen sinh hoạt, đợi sau sinh sẽ có hướng xử trí triệt để hơn.

    [​IMG]

    PGS.TS.BS Dương Văn Hải tư vấn cho một bệnh nhân trẻ mắc trĩ, tại Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: Trần Nhung


    Với đa số bệnh nhân, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc thì có thể điều trị hết. Búi trĩ nhỏ như trĩ độ 2, có thể dùng các phương pháp ít xâm lấn như cột dây thun, đốt trĩ bằng năng lượng điện như điện lưỡng cực hay quang đông hồng ngoại, chích xơ. Đến giai đoạn 3 hoặc 4, đã có biến chứng chảy máu, tắc mạch, nhiễm trùng... điều trị thường khó khăn, phải dùng các phương pháp xâm lấn, gây đau đớn hơn, dễ biến chứng, nguy cơ tái phát cao.

    Bác sĩ khuyến cáo mọi người tránh các yếu tố nguy cơ, ăn nhiều chất xơ, uống tối thiểu 2,5 lít nước mỗi ngày, duy trì trọng lượng phù hợp, không ngồi nhiều. Chú ý hoạt động thể lực, chẳng hạn mỗi ngày đi bộ nhanh 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

    Đi khám sớm khi có triệu chứng bất thường như rỉ dịch hậu môn, ngứa, hậu môn có khối u lồi ra, đi tiêu máu... Các phẫu thuật điều trị trĩ cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm, vừa loại bỏ búi trĩ vừa hạn chế tổn thương, đảm bảo chức năng các mô trĩ, tránh nguy cơ thủng, rò hậu môn, tạo sẹo co rút, ảnh hưởng chức năng tự chủ hậu môn. Phụ nữ nên điều trị trĩ trước sinh con, tránh nguy cơ diễn tiến nặng khi mang thai.

    Lê Phương


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bệnh trĩ ở tuổi 20

Share This Page