Hà NộiTrong tiếng bíp liên hồi phát ra từ máy monitor (thiết bị theo dõi dấu hiệu sinh tồn), điều dưỡng Phương, 36 tuổi, nắm tay trấn an người bệnh vượt qua cơn kích động. 22h ngày 27/3, trong khu Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hơn 20 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trái ngược với sự tĩnh lặng bên ngoài, khung cảnh trong phòng cấp cứu bận rộn với các cuộc thảo luận liên tục của nhân viên y tế, bên cạnh tiếng máy móc kêu liên hồi. "Dừng an thần cho bệnh nhân uốn ván giường số 5", bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa, trao đổi với điều dưỡng Trần Thu Phương về bệnh nhân 55 tuổi, bị uốn ván nguy kịch, phải đặt máy thở. Để bệnh nhân vượt qua thời gian thở máy, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc hướng thần, giúp họ bình tĩnh, thoải mái và dễ ngủ, mặt khác lại khiến người bệnh hay quên, bối rối và mê sảng, đặc biệt sau khi dừng thuốc. Với bệnh nhân trên, khi liều an thần giảm, bà bắt đầu có biểu hiện đau đớn, âu lo. Các loại thuốc dùng để chữa uốn ván cũng khiến cơn mê sảng trở nên trầm trọng hơn. Người phụ nữ bứt rứt, kích động, thì thầm qua ống thở máy: "Tôi muốn chết, xin hãy để tôi chết". Bà khóc, nhưng không thể với tay lau nước mắt vì toàn bộ cơ thể gắn chằng chịt các thiết bị duy trì sự sống. "Không sao hết, có chúng tôi ở đây rồi", điều dưỡng Phương nói, dùng khăn lau nước mắt trên mặt người bệnh. Khi thấy người phụ nữ nằm im, nét mặt giãn ra, chị hiểu họ đã được an ủi phần nào. "Tôi chỉ cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác. Có lẽ họ đang mong ngóng người thân trong lúc đau đớn này, đôi khi chỉ cần ngồi cạnh bên, họ sẽ thấy được an ủi", Phương bộc bạch. "Điều duy nhất tôi có thể nói là sẽ làm hết sức có thể để bệnh nhân sống sót". Bệnh nhân chuyển đến Khoa Hồi sức Tích cực (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chủ yếu do tai nạn, đột qụy, bệnh lý viêm phổi, đường hô hấp, cúm A... Ngoài người phụ nữ, nơi này đang điều trị khoảng 50 bệnh nhân, hầu hết là người cao tuổi, có bệnh nền, phải thở oxy, thở máy, nguy cơ tử vong khoảng 50% trở lên. Sau khi bị đặt máy thở, sử dụng nhiều thuốc an thần, các bệnh nhân rơi vào cơn mê sảng, loạn thần. Điều dưỡng Trần Thu Phương. Ảnh: Phương Thảo Báo cáo từ các cơ sở y tế và chuyên gia trên toàn cầu cho thấy khoảng 65-75% bệnh nhân ICU gặp vấn đề này. Nhiều người bị "mê sảng hiếu động", tức là gặp ảo giác và kích động, số khác biểu hiện "mê sảng kích thích", gây ra nhầm lẫn và rối loạn tầm nhìn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe như gây ức chế miễn dịch, rối loạn trao đổi chất, làm tăng độ nhạy cảm với cơn đau, đồng thời làm thay đổi nồng độ hormone và chất dẫn truyền thần kinh trong não. Mặt khác, khi căng thẳng, tình trạng suy hô hấp sẽ càng nặng nề hơn. Lúc này, người bệnh rất dễ rơi vào khủng hoảng trầm trọng, loạn thần cấp, nghĩ mình sẽ tử vong ngay. Theo các chuyên gia, sự đau đớn thể xác, môi trường xa lạ, bị cô lập khỏi gia đình, các thiết bị duy trì sự sống cùng tác dụng phụ của các loại thuốc gây mê, an thần mạnh là những yếu tố nguy cơ dẫn đến mê sảng. Tình trạng loạn thần của bệnh nhân ICU nếu không được điều trị sẽ có thể dẫn đến di chứng lâu dài về sau. Lúc này, sự đồng cảm, trấn an và chăm sóc tâm lý của người điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Chị Phương chia sẻ việc trò chuyện với người bệnh tưởng đơn giản, nhưng có thể là liều thuốc xoa dịu sự căng thẳng cho họ. Điều dưỡng phải luôn theo dõi sát sao từng chi tiết, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân khi họ cần, kiểm tra chỗ nằm xem có tỳ đè, khó chịu không. "Mình phải nắm bắt tâm lý rất nhanh, trò chuyện động viên, thậm chí xoa bóp, hoặc đôi khi chỉ cần im lặng, ngồi cạnh kế bên để bệnh nhân cảm thấy an tâm là đủ", Phương nói. Mặt khác, chị luôn cung cấp thông tin và giải thích từng thắc mắc, thường xuyên nói với bệnh nhân về thời gian, địa điểm, để họ định hướng được việc mình đang tồn tại trong hoàn cảnh nào. Hiểu được sự động viên từ gia đình là liều thuốc quý, chị thường xuyên tạo điều kiện cho người nhà gọi điện hoặc vào thăm theo quy định. Tùy từng hoàn cảnh mà Phương có những cách xoa dịu tinh thần người bệnh khác nhau. Nữ điều dưỡng nhớ người đàn ông 50 tuổi, bị tai nạn nghiêm trọng, không có người thân. Nằm giữa các bệnh nhân hôn mê, thở máy, ông tuyệt vọng, không muốn điều trị, tâm lý chán nản. Phương đề xuất cho bệnh nhân nằm cách ly phòng riêng với mục đích được tiếp xúc với các ca nhẹ hơn, giúp trấn an tinh thần. Bệnh nhân dần bình tâm lại và hợp tác điều trị. Y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực điều trị một bệnh nhân nặng. Ảnh: Ngọc Thành Điều dưỡng Phương không chỉ trấn tĩnh tinh thần mà còn chăm sóc thể chất người bệnh như đo huyết áp, mạch, chăm sóc vết thương. Nhiều công việc tưởng đơn giản nhưng Phương phải làm cẩn thận, dành nhiều thời gian và tâm huyết. "Nếu bệnh nhân có diễn biến bất thường nào mà điều dưỡng không kịp thời phát hiện, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi", Phương nói. Diễn tiến xấu của người bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý điều dưỡng. Bởi vậy, trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào, cô phải thông báo, giải thích chi tiết. Nhiều thời điểm Phương cũng rơi vào stress và kiệt sức. Cô bất lực khi chứng kiến sức khỏe người bệnh không cải thiện và tử vong. Bệnh mất ngủ đeo bám người phụ nữ do đặc thù công việc, bao gồm trực xuyên đêm, ăn uống và sinh hoạt thất thường. Cách cô cân bằng giữa công việc và cuộc sống là luôn chuẩn bị tâm lý để đối phó mọi tình huống cấp cứu. Trong một số trường hợp, cô tìm kiếm sự chia sẻ từ đồng nghiệp, người thân, nhất là trong hai năm đại dịch Covid-19, khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến y tế cuối thường xuyên điều trị hàng chục bệnh nhân nguy kịch mỗi ngày. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress