Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo các bác sĩ lưu ý bệnh viêm loét não mô cầu xâm lấn do vi khuẩn Neisseria tấn công người trung niên thay vì người trẻ như trước. Cảnh báo của CDC được đưa ra sau khi Bộ Y tế bang Virginia xác nhận 5 ca tử vong do viêm màng não mô cầu nghiêm trọng. Trong các trường hợp được xác định đến tháng 3 năm nay, tỷ lệ tử vong là một trên 6 người, cao hơn mức thường thấy ở các ca viêm màng não mô cầu. Các ca bệnh cũng bất thường vì vi khuẩn tấn công người trung niên thay vì trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên như trước đó. Năm ngoái, Mỹ ghi nhận 422 trường hợp mắc bệnh này, ít nhất 17 người tử vong, cao nhất kể từ năm 2014. Còn từ đầu năm đến nay, 143 ca bệnh đã được báo cáo, có nghĩa con số đang trên đà vượt qua năm 2023, CDC cho biết. Bệnh nhân chủ yếu từ 30 đến 60 tuổi, người da đen và bệnh nhân HIV. Triệu chứng điển hình của bệnh viêm màng não bao gồm sốt, nhức đầu, cứng cổ, sợ ánh sáng và buồn nôn. Tuy nhiên nhiều ca mắc được báo cáo gần đây không có những biểu hiện này. Khoảng hai phần ba số bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, 4% đau khớp và nhiễm trùng. Các triệu chứng ban đầu giống với những bệnh nhiễm trùng thông thường khác, nhưng chúng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn, có thể đe dọa tính mạng trong vòng vài giờ. Bệnh nhân cần điều trị lập tức bằng kháng sinh. Người sống sót có thể bị ảnh hưởng lâu dài như điếc, cụt tứ chi. Vi khuẩn Neisseria meningitidis gây bệnh viêm màng não mô cầu xâm lấn, có thể tử vong. Ảnh: AP Vi khuẩn Neisseria meningitidis lây lan từ người này sang người khác thông qua dịch tiết đường hô hấp và cổ họng. Dịch tiết phát tán khi hôn, ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần. Bệnh có thể gây nhiễm trùng máu, triệu chứng như ớn lạnh, mệt mỏi, tay chân lạnh, thở nhanh, tiêu chảy. Ở giai đoạn sau, người bệnh có các biểu hiện như phát ban màu tím sẫm. Có bốn nhóm vi khuẩn não mô cầu đang lưu hành ở Mỹ là B, C, W và Y. Các ca mắc năm 2023 đều do chủng ST-1466, thuộc phân nhóm Y gây ra. Bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn hiện đã có vaccine phòng ngừa. Vaccine dùng cho trẻ từ 11 đến 12 tuổi, tiêm nhắc lại ở tuổi 16. Những người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch do điều trị ung thư hoặc mắc HIV cũng được khuyến nghị tiêm chủng. Thục Linh (Theo NY Post, CNN) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress