Giành giật mạng sống cho bệnh nhân bỏng nặng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 30, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 80)

    Hà NộiTrước mặt bác sĩ Hùng là hai anh em ruột được cha mẹ quấn chăn kín người, thở hắt, toàn thân đen thui, bỏng hơn 70% cơ thể do lửa ga.


    "Không ai nghĩ hai em sống được, song đến nay vết bỏng gần như khỏi", Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Hùng, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, nói, ví đây là cuộc chiến trường kỳ gần 3 tháng qua.

    Hai anh em quê Nam Định, được đưa đến Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cấp cứu khi rất nguy kịch, hôm mùng 5 Tết Giáp Thìn. Tình trạng người anh nhẹ hơn, còn người em tên Dương, 18 tuổi, bỏng 76% diện tích cơ thể, trong đó 40% bỏng sâu và bỏng hô hấp nặng.

    Khi vào viện, bệnh nhân thở hắt ra, suy hô hấp nặng, huyết áp tụt cùng Sp02 (nồng độ oxy máu) không đo được. Bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp lập tức hồi sức chống sốc tích cực. Khi nam sinh qua cơn nguy kịch, ê kíp tiếp tục phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ lớp da thịt hoại tử sớm, sau đó che phủ vùng da tổn thương bằng da tự thân, da đồng loại và các vật liệu khác. Bệnh nhân bỏng sau đó được băng ép trắng quấn kín người, nhằm giảm phù nề và cải thiện quá trình lành vết thương.

    "Khi vết thương ổn định, chúng tôi sẽ ghép da tự thân từ từ cho bệnh nhân. Trên cơ thể, chỗ nào có da thì lấy ghép, không có da lại chờ cho đến khi lấy được da để ghép", ông Hùng nói, thêm rằng bệnh nhân phải mổ ghép da khoảng 10 lần.

    Bác sĩ Hùng cho biết đặc trưng của bệnh nhân nằm Khoa Hồi sức đều trẻ, bị tai nạn bỏng đột ngột, tình trạng "thập tử nhất sinh". Thông thường, ca bỏng nặng phải điều trị khoảng 2-3 tháng, đối mặt với rất nhiều biến chứng, có thể tử vong. Do đó, bác sĩ luôn căng não, theo sát bệnh nhân, giải quyết mọi vấn đề để cứu mạng người bệnh. Các biến chứng thường gặp là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy thận, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng...

    Như bệnh nhân Dương bị nhiễm khuẩn huyết 3 lần, trong đó 2 lần nhiễm vi khuẩn và một lần nhiễm nấm. "Bệnh nhân bỏng mà nhiễm khuẩn huyết gần như sẽ chết", bác sĩ Hùng kể, thêm rằng may mắn nam sinh đã hồi phục, chỉ cần chờ ghép phần da hở là có thể tập phục hồi chức năng.

    [​IMG]

    Bác sĩ Hùng thăm khám vết thương cho một bệnh nhân bỏng nặng. Ảnh: Lê Nga


    Gần 20 năm công tác tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, bác sĩ Hùng chứng kiến hàng nghìn bệnh nhân bỏng thập tử nhất sinh, không ít người bỏ mạng.

    "Mọi người cứ nghĩ chấn thương sọ não, ngực, ổ bụng, cột sống... mới chết, chứ bỏng ngoài da không ai chết. Song, tỷ lệ tử vong do bỏng nặng rất cao đến 60%, đặc biệt ở bệnh nhân bỏng sâu diện rộng và bỏng hô hấp", bác sĩ Hùng nói.

    Điều trị bệnh nhân bỏng sâu diện rộng rất khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian kéo dài. Bác sĩ phải theo sát người bệnh từ khi vào viện đến lúc họ về nhà. Điều này khác hẳn với các ca chấn thương ngoại khoa, họ có thể ra viện chỉ trong một tuần. Thậm chí, bệnh nhân bỏng ra viện vẫn phải điều trị di chứng, bác sĩ tiếp tục hướng dẫn và tiếp tục đồng hành cùng họ.

    Đặc biệt, trường hợp bỏng nặng đều phải băng kín cơ thể, song cần thay băng mỗi ngày một lần. Lúc đó, các bác sĩ buộc gây mê người bệnh. "Chúng tôi phải tính toán dùng liều thuốc mê hợp lý để không ảnh hưởng đến toàn trạng, tức là sau khi thay băng xong bệnh nhân phải tỉnh ngay, nhằm giảm đi các biến chứng", bác sĩ Hùng nói, thêm rằng mỗi kíp thay băng khoảng 4 người, trong thời gian khoảng một tiếng hoặc lâu hơn.

    Thông thường, các bác sĩ hồi sức chỉ có nhiệm vụ hồi sức bệnh nhân, nhưng ở Viện Bỏng, bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp kiêm công việc của phẫu thuật viên. Ê kíp làm tất cả mọi việc từ cấp cứu, hồi sức cho đến phẫu thuật, hậu phẫu. Có thời điểm, đặc biệt dịp Tết, khoa có 16 giường nhưng tiếp nhận đến 30 người, nhiều bệnh nhân thở máy.

    "Do vậy, các bác sĩ trong khoa rất bận, điều dưỡng đi trực không được ngồi lúc nào, còn tôi hầu như cả ngày trong phòng mổ", bác sĩ Hùng nói.

    Hiện, điều trị bỏng ở Việt Nam đã phát triển ngang hàng với các nước trong khu vực. Nhiều phương pháp điều trị bỏng tiên tiến như cắt hoại tử ghép da sớm, ghép da tự thân kết hợp đồng loại trong một lần phẫu thuật, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi và khí dung điều trị bỏng hô hấp, nuôi cấy tế bào da tự thân điều trị người bỏng sâu diện rộng... giúp tỷ lệ bệnh nhân hồi phục cao.

    Song, điều bác sĩ Hùng trăn trở là làm sao đào tạo được một thế hệ bác sĩ kế cận điều trị bỏng tốt, khi xu hướng sinh viên y khoa "chạy" theo các chuyên ngành khác như thẩm mỹ vì "ngành bỏng nghèo và vất vả". Hiện Khoa Hồi sức cấp cứu có 5 bác sĩ trẻ, được Chủ nhiệm Hùng truyền thụ kiến thức, kỹ năng và lòng yêu nghề mỗi ngày.

    "Tôi xác định đã về Khoa Hồi sức thì sẽ làm cho đến khi không thể làm nữa", bác sĩ Hùng nói, thêm rằng khi làm ở đây, ông được "làm giàu cái đầu của mình". Bởi bệnh nhân bỏng gặp rất nhiều các vấn đề, đòi hỏi bác sĩ luôn phải cập nhật kiến thức, học hỏi các chuyên ngành khác nhau mới có thể cứu mạng người bệnh.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Giành giật mạng sống cho bệnh nhân bỏng nặng

Share This Page