Cặp rắn san hô giằng co con mồi

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Mar 29, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 98)

    Sau 17 phút quan sát, các chuyên gia nhận thấy cặp rắn san hô đã phân rõ thắng bại, kẻ thắng giành được con mồi là động vật lưỡng cư.

    [​IMG]

    Cặp rắn san hô tranh mồi. Video: Science X


    Các nhà khoa học quan sát hai con rắn san hô đuôi đỏ (Micrurus mipartitus) tranh giành một con vật lưỡng cư ngoài tự nhiên, Phys hôm 26/3 đưa tin. Đây là trường hợp ký sinh ăn cướp (kleptoparasitism) - cướp thức ăn mà sinh vật khác kiếm được - ở khu vực hoang dã đầu tiên được ghi nhận trong họ Rắn hổ (Elapidae).

    Phần lớn các loài trong họ Rắn hổ đều có nọc độc, một số nằm trong nhóm những loài rắn nguy hiểm nhất thế giới. Họ này gồm khoảng 400 loài, bao gồm nhiều nhóm rắn như mamba, hổ mang, rắn biển, rắn san hô.

    Ký sinh ăn cướp là hành vi mà giới khoa học đã tìm hiểu kỹ ở nhiều loài động vật, nhưng hiếm khi ghi nhận ở các loài rắn trong môi trường sống tự nhiên. Quan sát mới được trình bày chi tiết trong nghiên cứu của hai chuyên gia Thụy Điển, Henrik Bringsoe và Niels Poul Dreyer, xuất bản trên tạp chí Herpetozoa. Trong video, hai con rắn san hô đuôi đỏ cùng ngoạm một con Caecilian - động vật lưỡng cư không chân trông giống rắn.

    Trận chiến xảy ra trong khu rừng nhiệt đới rậm rạp Valle del Cauca, miền tây Colombia. Điều ngạc nhiên là trong lúc giằng co, một con rắn thậm chí cắn vào mình đối thủ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng điều này nhiều khả năng là vô tình. Sau 17 phút quan sát, họ thấy con rắn san hô thua cuộc đã nhả con mồi. Kẻ chiến thắng sau đó rời đi và kẻ thua cuộc cũng không bám theo.

    Nghiên cứu mới cho thấy, có thể hành vi ký sinh ăn cướp phổ biến hơn trong điều kiện nuôi nhốt, nhưng hành vi này trong tự nhiên cũng chưa được ghi nhận nhiều do bản chất sống lẩn tránh của rắn san hô và những khó khăn khác. "Rắn nuôi nhốt thường thực hiện việc ký sinh ăn cướp khi chỉ có một con mồi được đưa vào môi trường sống mô phỏng có hai con rắn trở lên. Nhưng khá ngạc nhiên là điều này không được bắt gặp nhiều hơn ngoài tự nhiên", tác giả Henrik Bringsoe cho biết.

    Nghiên cứu mới cũng giúp làm sáng tỏ sự tương tác giữa rắn san hô với các con mồi. Ví dụ, trong trường hợp ở Valle del Cauca, Caecilian thể hiện những sự thích nghi đáng chú ý như phát triển khả năng kháng độc và tăng sản xuất chất nhầy.

    Thu Thảo (Theo Phys)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Cặp rắn san hô giằng co con mồi

Share This Page