Kể từ khi phần mềm Adobe Photoshop được giới thiệu lần đầu vào năm 1989, nghĩa là đã cách đây 24 năm, nó đã thực sự làm thay đổi ngành truyền thông đa phương tiện, mà cụ thể hơn là với các nhiếp ảnh gia, những người vẫn coi phần mềm này như một “chiếc đũa thần” đa năng. Kể từ đó tới nay, Photoshop không ngừng được Adobe nâng cấp hoàn thiện, với những tính năng tưởng chừng như chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi Photoshop ra đời, người ta phải làm những gì trong khâu hậu kì, chỉnh sửa một tác phẩm ảnh. Mới đây trang CreativePro đã số hóa cuốn sách hướng dẫn chỉnh sửa ảnh từ những năm 40 của thế kỉ trước, chính xác là năm 1946. “Bí kíp” của những người làm hình ảnh thời đó mang tên “Photo Retouching For Commercial Use”. Do khuôn khổ bài viết có hạn nên không thể đưa tới các bạn toàn bộ nội dung tác phẩm này được. Tuy nhiên, chỉ qua những trang sách được chọn lọc dưới đây, bạn cũng có thể thấy được độ kì công và nhiệt huyết của những người nghệ sĩ ngày trước. Mở đầu là bức ảnh giới thiệu mục đích vì sao cần chỉnh sửa ảnh, đó có thể là ảnh bị dính nhiều sạn, một số chỗ bị mờ nhòe khi in ra. Do yêu cầu về nội dung, người ta đôi khi phải thêm thắt những chi tiết mà thực tế không có, chỉ khác là ngày trước phải vẽ hoặc in đè lên, hiện giờ chúng ta chỉ cần vài cú click chuột với Photoshop là xong. Việc sửa ảnh không chỉ khiến tác phẩm nâng cao độ thẩm mỹ mà còn gây ấn tượng mạnh hơn cho người xem. Để tiến hành tô vẽ lại ảnh gốc, những dụng cụ cơ bản mà người chỉnh sửa cần là: một hũ hồ dán, một ít gelatine (một chất dùng trong sản xuất phim chụp ảnh) dưới dạng bột đựng trong viên con nhộng, các loại thước kẻ (nhất là thước chữ T dài 24 inch), eke và bàn vẽ. Có rất nhiều loại bút vẽ với cỡ khác nhau tùy cho mục đích sử dụng, ngoài ra còn có nhiều màu vẽ, dầu bóng, và vải thấm. Trước tiên, tùy thuộc vào kích cỡ tấm ảnh được đặt hàng mà ta đặt khung để nẹp ảnh gốc. Để làm được việc này, người ta thường dùng loại bàn vẽ chuyên dụng có thể điều chỉnh được độ cao và góc độ. Ảnh sau retouch thường bị lem nhem do dính vân tay, hồ dán, dầu vẽ còn thừa, do đó phải dùng gelatine rắc lên bề mặt ảnh rồi mài kĩ để tạo độ bóng cần thiết. Có 5 màu cơ bản, loại chuyên dùng cho chỉnh sửa ảnh, được bán dưới dạng tuýp, hoặc hũ. Ngoài ra có thể kể đến chổi lăn hồ dán, và một loại hồ dán đặc biệt siêu dính, nhưng khô cực nhanh và không làm ảnh bị thấm nước và nhăn nheo dù có lăn nhiều hồ. Thời ấy, các thợ vẽ chuyên nghiệp rất ưa chuộng loại bảng pha màu 5 ô làm từ gốm sứ, do độ bền đẹp và tính tiện lợi. Độ khéo léo, tinh tế và sáng tạo của người vẽ là yếu tố quyết định đến độ thành bại của một bức ảnh. Khác với những kĩ thuật viên đồ họa bây giờ, vốn chỉ dùng chuột và bàn phím để làm việc, thời đó người họa sĩ phải cẩn thận tỉ mỉ trong từng nét vẽ, chọn lựa chính xác loại bút, loại màu. Họ cũng không thể phóng to, thu nhỏ, hay crop ảnh dễ dàng nhiều lần để đạt độ chính xác tới từng pixel như ngày nay. Hơn nữa, chỉ một sai lầm là đi tong bức ảnh gốc, không thể có chuyện redo như ngày nay. Dù muôn vàn khó khăn như vậy, ta vẫn có thể thấy nét tài hoa, nghệ thuật của người chỉnh sửa qua các tác phẩm. Các bước làm việc cũng đúng như ngày này, từ crop, chỉnh màu, cho tới những thao tác phức tạp như in đè. Do đó, một bức ảnh cần chỉnh sửa có thể kéo dài từ 10 phút, cho tới 10 ngày tùy mức độ cần xử lý. Sử dụng công nghệ in Halftone (in đè) để thêm nội dung cho ảnh. Vẽ thêm chi tiết cho đồng hồ và máy điện tín. Chỉnh sửa hoàn toàn màu sắc cho bức ảnh thêm ấn tượng. Tham khảo creativepro. Nguồn: GenK