Bộ Y tế Hàn Quốc nói tạm đình chỉ đào tạo các bác sĩ tập sự nếu những người này không trở lại bệnh viện trước ngày 2/4. Tuyên bố được Thứ trưởng Y tế Jun Byung-wang đưa ra ngày 28/3. Ông kêu gọi những người đình công trở lại bệnh viện, không bỏ rơi bệnh nhân và tạo ra cuộc khủng hoảng y tế. Nếu bị gián đoạn đào tạo, các bác sĩ sẽ không thể hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp nội trú đúng thời hạn. Đến nay, khoảng 12.000 thực tập sinh và bác sĩ nội trú đã đình công, khiến các ca phẫu thuật và dịch vụ y tế khác bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Để ủng hộ hành động của các cấp dưới, giáo sư y khoa, vốn là bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện đại học lớn, cũng bắt đầu nộp đơn từ chức từ tuần này. Mâu thuẫn giữa ngành y tế và chính phủ ngày càng căng thẳng, khiến triển vọng giải quyết bế tắc bằng các cuộc đàm phán rất mong manh. Khi cuộc đình công kéo dài đến tuần thứ 5, các bệnh viện đa khoa phải tạm thời đóng cửa một phần và điều phối lại các nhân viên y tế. 5 bệnh viện lớn, gồm Trung tâm Y tế Asan, Trung tâm Y tế Samsung, Bệnh viện Severance, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Bệnh viện St. Mary Seoul ở tình trạng khẩn cấp, đã thiệt hại hơn 1 tỷ won (740.000 USD mỗi ngày). Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã tạm thời đóng cửa 10 trong số 60 khu, gồm cả cơ sở dành cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân ung thư. Họ buộc phải chuyển người bệnh đến nơi khác để "ứng phó linh hoạt trong tình hình hiện tại". Hôm 18/3, Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi các bác sĩ tin tưởng vào chính phủ và tham gia đối thoại để giải quyết sớm vấn đề đình công. Lời kêu gọi đưa ra trong cuộc họp với các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Asan, Seoul. "Tôi yêu cầu các bạn ngừng giữ quan điểm không tham gia đối thoại, trừ khi chúng tôi nghĩ lại về quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Các bạn (bác sĩ cấp cao) cũng nên thuyết phục các sinh viên của mình có tầm nhìn đúng đắn hơn về tương lai", ông Yoon cho biết. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng số lượng bác sĩ trong bối cảnh dân số Hàn Quốc già đi nhanh chóng. Các bác sĩ Hàn Quốc biểu tình trước phủ tổng thống ở Seoul hôm 25/2. Ảnh: Reuters Theo ông, để hoàn thành cải cách y tế, các y tá, điều dưỡng và bác sĩ, những người hiểu biết về lĩnh vực này, cần đưa ra ý kiến của mình về những điều bất cập và cần cải thiện. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục y tế, khiến chi phí y tế của bệnh nhân tăng cao hơn. Họ nhận định chính phủ trước tiên nên cải thiện chế độ lương thưởng, đãi ngộ cho các bác sĩ, tăng cường bảo vệ về mặt pháp lý trước các vụ kiện về sơ suất y tế. Theo các chuyên gia, thực tế Hàn Quốc thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu như phẫu thuật, nhi khoa, hồi sức cấp cứu, sản phụ khoa. Song, sinh viên y khoa ra trường có xu hướng chọn ngành da liễu và thẩm mỹ, do việc nhàn, lương cao. Nếu tăng thêm chỉ tiêu, áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành nổi tiếng sẽ cao hơn, trong khi đó các ngành thiết yếu vẫn chịu tình trạng thiếu bác sĩ. Theo Hiệp hội Thực tập sinh Hàn Quốc (KMA), các bác sĩ thực tập và nội trú nước này trực ca 36 giờ, nhiều hơn so với ca dưới 24 tiếng ở Mỹ. Báo cáo cho thấy chỉ một nửa số bác sĩ trẻ ở Mỹ làm việc 60 giờ một tuần trở xuống. Trong khi đó, bác sĩ Hàn Quốc thường xuyên làm việc hơn 100 giờ. Thục Linh (Theo Yonhap) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress