Công viên phần mềm Quang Trung thu hút chuyên gia phát triển công nghệ mới

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Mar 27, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 101)

    TP HCMTrong 7 năm, Công viên phần mềm Quang Trung thu hút 141 nhà khoa học chuyên nghiên cứu triển khai (R&D), tạo nhân lực cho các thử nghiệm công nghệ mới.


    Thông tin được ông Phan Phương Tùng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) chia sẻ tại hội thảo "Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh" tổ chức sáng 26/3. Đội ngũ nhân lực này có trình độ tiến sĩ trở lên, nhiều người là Việt kiều từ Anh, Mỹ, Pháp... Có những người khi nghiên cứu tại nước ngoài họ đem công nghệ về Việt Nam để thử nghiệm. Khi vào Công viên phần mềm Quang Trung, nhà khoa học được tạo điều kiện về không gian làm việc miễn phí, hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu tại QTSC R&D Labs.

    [​IMG]

    Máy bay không người lái gắn camera quang phổ do chuyên gia tại QTSC R&D Labs nghiên cứu. Ảnh: Hà An


    Theo ông Tùng, mục tiêu thu hút nhà khoa học được QTSC thực hiện từ năm 2017 nhằm tập hợp đội ngũ những người làm R&D giúp tạo ra các sáng chế, công nghệ do người Việt làm chủ. QTSC là nơi tạo điều kiện cho việc thử nghiệm công nghệ của nhà khoa học thông qua các khu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, mặt bằng thử nghiệm robot, máy bay không người lái...

    Đại diện QTSC cho biết, việc thử nghiệm này sẽ thuận lợi hơn khi TP HCM thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo Nghị quyết 98. Đây là cơ sở để thu hút nhiều nhà khoa học hơn nữa, nhằm thí điểm các công nghệ mới chưa có quy định trong luật như nghiên cứu các vật liệu mới, drone... "Các thử nghiệm này khi có kết quả sẽ làm cơ sở đóng góp trong xây dựng chính sách, luật về lĩnh vực thử nghiệm", ông Tùng nói.

    Các công nghệ được nghiên cứu, thử nghiệm theo ông sẽ đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới tại QTSC. Nghiên cứu khi thử nghiệm có kết quả khả thi được QTSC hỗ trợ kiến nghị cơ quan chức năng triển khai thử nghiệm bên ngoài khu công viên phần mềm và giới thiệu tới các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu ứng dụng ngay.

    Lãnh đạo QTSC cho biết, định hướng này hướng đến việc tạo môi trường nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ tương tự các khu công nghệ thông tin tập trung tại Trung Quốc, Ấn Độ... đang làm bên cạnh thu hút các doanh nghiệp lĩnh vực này vào hoạt động.

    TS Nguyễn Đình Uyên, chuyên gia nghiên cứu công nghệ trong nông nghiệp tại QTSC R&D Lab từng chia sẻ với VnExpress sự hỗ trợ về mặt bằng và kết nối thị trường của QTSC đã giúp nhóm dự án giảm nhiều chi phí và có lối ra cho sản phẩm.

    Theo Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM, có hiệu lực từ tháng 8/2023, thành phố được thử nghiệm có kiểm soát một số các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Để cụ thể hóa chính sách này Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đề xuất một số công nghệ được phép thử nghiệm gồm xe điện không người lái, drone, công nghệ Lora, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, thực tế ảo, robot tự hành, vi mạch, in 3D, công nghệ sinh học (trừ sản phẩm thử nghiệm trên người). Doanh nghiệp có công nghệ thử nghiệm được hỗ trợ pháp lý trong việc xin giấy phép trong thẩm quyền UBND TP HCM. Các giấy phép ngoài thẩm quyền, thành phố sẽ hiệp thương đơn vị liên quan để quyết định cho phép thử nghiệm.

    Doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách. Công nghệ được thử nghiệm phải được thiết kế, xây dựng khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Công nghệ phải được cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP HCM.

    Hà An


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Công viên phần mềm Quang Trung thu hút chuyên gia phát triển công nghệ mới

Share This Page