Nhà máy điện sạch lớn nhất thế giới

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Mar 26, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 130)

    Một tỷ phú Ấn Độ đang xây nhà máy điện lớn nhất thế giới diện tích gấp 5 lần Paris, có thể nhìn thấy từ vũ trụ, đáp ứng nhu cầu điện của 16 triệu hộ gia đình.

    [​IMG]

    Công viên năng lượng tái tạo Khavda đang được xây dựng ở bang Gujarat. Ảnh: Punit Paranjpe/AFP


    Dự án nhà máy điện gió và mặt trời mới sẽ biến đổi những dải đất hoang mạc muối ở phía tây Ấn Độ thành một trong những nguồn năng lượng sạch quan trọng nhất hành tinh, theo CNN. Sagar Adani là giám đốc điều hành công ty năng lượng sạch Adani Green Energy Limited (AGEL). Ông là cháu trai của Gautam Adani, người giàu thứ hai ở châu Á, với tổng tài sản 100 tỷ USD từ tập đoàn Adani Group, nhà nhập khẩu than đá lớn nhất Ấn Độ. Thành lập năm 1988, tập đoàn này kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ cảng biển, nhà máy nhiệt điện, xi măng và truyền thông.

    Công ty con AGEL của Adani Group đang xây dựng nhà máy điện gió và mặt trời ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ với chi phí khoảng 20 tỷ USD. Đây sẽ là công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới khi hoàn thành trong vòng 5 năm nữa và sản xuất đủ điện sạch để cung cấp cho 16 triệu hộ gia đình ở Ấn Độ.

    Thành công của dự án Công viên năng lượng tái tạo Khavda rất quan trọng đối với nỗ lực cắt giảm ô nhiễm và đạt mục tiêu khí hậu của Ấn Độ, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện tăng vọt của quốc gia đông dân nhất kiêm nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện nay, than đá vẫn chiếm 70% lượng điện do Ấn Độ sản xuất. Nằm cách biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan chỉ 19 km, công viên sẽ bao phủ diện tích hơn 518 km2 và là nhà máy điện lớn nhất hành tinh, theo AGEL.

    Dự án điện sạch của Adani Group ra đời trong thời gian Ấn Độ đặt ra một số mục tiêu khí hậu tham vọng. Thủ tướng Narendra Modi hứa hẹn các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời sẽ đáp ứng 50% nhu cầu điện vào cuối thập kỷ này. Năm 2021, ông Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu không thải khí vào năm 2070, chậm hơn hai thập kỷ so với các nền kinh tế phát triển. Chính phủ hướng tới mục tiêu đạt công suất sản xuất 500 gigawatt (GW) điện từ nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030. AGEL, công ty năng lượng tái tạo lớn nhất trong nước, sẽ cung cấp ít nhất 9% lượng điện đó, với gần 30 GW sản xuất từ công viên Khavda ở Gujarat.

    Ấn Độ là nước tiêu thụ điện lớn thứ ba trên thế giới, dù mức sử dụng điện và khí thải tính trên đầu người thấp hơn một nửa mức trung bình toàn cầu, theo dữ liệu từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ở Paris. Điều đó có thể thay đổi nhanh chóng. Do thu nhập tăng lên, nhu cầu năng lượng đã tăng gấp đôi từ năm 2000, với 80% lượng điện đến từ than đá, dầu mỏ và nhiên liệu sinh khối. Trong ba thập kỷ tới, nền kinh tế đang mở rộng của Ấn Độ sẽ ghi nhận nhu cầu về điện tăng nhanh nhất so với bất kỳ nước nào khác.

    Ấn Độ sẽ trải qua mức tăng trưởng kinh tế hàng năm ít nhất 6% trong vài năm tới và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên hành tinh vào cuối thập kỷ. Trong quá trình phát triển và hiện đại hóa, dân số đô thị sẽ tăng vọt, kéo theo gia tăng xây dựng nhà cửa, văn phòng và nhiều tòa nhà khác.

    Nhu cầu về điện của Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong tương lai gần do nhiều yếu tố từ mức sống cải thiện tới biến đổi khí hậu. Do biến đổi khí hậu, những đợt nắng nóng nguy hiểm trải rộng khắp Ấn Độ, đẩy nhu cầu sở hữu điều hòa nhiệt độ tăng lên. Tính đến năm 2050, tổng nhu cầu điện từ điều hòa dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng mức tiêu thụ điện của cả châu Phi hiện nay. Do đó, Ấn Độ không thể dựa vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu gia tăng mà không ảnh hưởng tới nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu.

    An Khang (Theo CNN)​


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nhà máy điện sạch lớn nhất thế giới

Share This Page