Trạm đổ bộ tư nhân đầu tiên hạ cánh trên Mặt Trăng vĩnh viễn không thể tỉnh lại sau "giấc ngủ" kéo dài nhiều tuần trong đêm Mặt Trăng. Trạm đổ bộ Odysseus không thể hoạt động trở lại sau đêm Mặt Trăng. Ảnh: BBC Công ty Intuitive Machines ở Houston hôm 23/3 thông báo trạm đổ bộ Odysseus không truyền tín hiệu về Trái Đất dù theo dự kiến, những tấm pin quang năng của trạm sẽ nhận đủ ánh sáng Mặt Trời để bật máy vô tuyến. Trạm đổ bộ hạ cánh ở góc hiểm hóc hôm 22/2 nhưng vẫn có thể hoàn thành một số thử nghiệm và gửi về ảnh chụp trước khi đội phụ trách quyết định kết thúc nhiệm vụ sau một tuần, khi trạm trải qua đêm Mặt Trăng kéo dài nhiều tuần, theo AFP. Intuitive Machines hy vọng Odysseus có thể thức dậy sau khi nhận được ánh sáng Mặt Trời lần nữa, tương tự tàu vũ trụ SLIM của Nhật Bản tiếp đất trong tư thế lộn ngược hồi tháng 1 và hoạt động trở lại trong tháng 2. Sau vài ngày chờ đợi, các nhân viên vận hành xác nhận hệ thống điện của trạm đổ bộ không thể hoàn thành việc liên lạc với Trái Đất. Như vậy, trạm Odysseus vĩnh viễn ngừng hoạt động trên Mặt Trăng sau khi trở thành trạm đổ bộ thương mại đầu tiên hạ cánh tại đây. Nhiệm vụ này được đánh giá là thành công bởi Intuitive Machines và NASA, ngay cả khi gặp nhiều vấn đề dọc đường, bao gồm đổ nghiêng trong lúc hạ cánh. Đây cũng là tàu vũ trụ Mỹ đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng từ sau nhiệm vụ có người lái Apollo 17 vào năm 1972. NASA đang lên kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng cuối thập kỷ. Họ đã chi 120 triệu USD cho Intuitive Machines trong chương trình nhằm tiến hành các nhiệm vụ chở hàng bằng tàu tư nhân. Odysseus chở theo một loạt thiết bị của NASA được thiết kế để tăng cường hiểu biết khoa học về cực nam của Mặt Trăng, nơi NASA chuẩn bị đưa phi hành gia tới theo chương trình Artemis. Intuitive Machines còn hai nhiệm vụ Mặt Trăng nữa trong năm nay, cả hai đều nằm trong sáng kiến Commercial Lunar Payload Services (CLPS) của NASA. Cùng với các đối tác quốc tế, Mỹ muốn phát triển khu định cư dài hạn trên Mặt Trăng, thu thập băng vùng cực làm nước uống và sản xuất nhiên liệu tên lửa cho những nhiệm vụ sắp tới đến sao Hỏa. An Khang (Theo AFP) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress