Cúm A/H5

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 24, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 75)

    [​IMG]

    Cúm A/H5 là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gia cầm gây ra và lây cho người.


    Thông tin được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng.

    Tác nhân gây bệnh

    - Cúm chim hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú.

    - Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxoviridae.

    * Vỏ của virus cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase).

    * Có 15 loại kháng nguyên H (viết tắt H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9).

    * Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân type khác nhau của virus cúm A.

    - Điều kiện thuận lợi làm tăng tính thay đổi kháng nguyên của virus cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi và lợn. Lợn có cảm thụ cao với cả virus cúm chim và virus cúm của các loài động vật có vú, bao gồm những chủng virus ở người, nó có thể đóng vai trò như là động vật trộn lẫn vật liệu di truyền của các virus cúm chim và cúm người tạo nên virus cúm mới.

    - Virus cúm A/H5 được chia làm 2 nhóm theo độc lực:

    * Virus cúm gia cầm có độc lực thấp (LPAI).

    * Virus cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI).

    - Khả năng virus tồn tại ở môi trường bên ngoài:

    * Virus bị giết chết ở 56 độ C trong 3 giờ, 60 độ C trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin.

    * Các type virus độc lực cao có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp.

    * Chúng có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở 4 độ C.

    * Ở trạng thái đông băng, chúng có thể sống trong nhiều năm.

    * Ở 37 độ C, virus có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm.

    Đặc điểm dịch tễ học

    - Dịch cúm gia cầm ở Việt Nam liên quan tới hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mekong, là nơi có mật độ chăn nuôi vịt cao hơn các vùng khác.

    - Phần lớn trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.

    - Đa số trường hợp nhiễm cúm ở người có liên quan tới cúm gia cầm.

    - Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm). Tuy nhiên, bệnh vẫn xảy ra vào các thời gian khác trong năm (phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương).

    Phương thức lây truyền

    - Các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người.

    - Virus cúm lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này sang trại chăn nuôi khác bằng cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép...

    - Virus có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất.

    - Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.

    - Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm), qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus...), tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.

    - Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

    Tiền sử dịch tễ

    - Từng tiếp xúc với người mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh.

    - Từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.

    Ai dễ mắc bệnh?

    - Bệnh xảy ra ở tất cả lứa tuổi từ 4 tháng đến trên 80 tuổi. Tuy nhiên dịch tập trung ở tuổi dưới 40, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi.

    - Chưa thấy có sự khác biệt giữa nam - nữ về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

    - Việc xuất hiện một số chùm bệnh gia đình có thể do yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong sự nhạy cảm với virus cúm gia cầm. Tuy nhiên, cho tới nay chưa tìm thấy những bằng chứng rõ ràng về sự lan truyền giữa người và người.

    Biểu hiện lâm sàng

    - Sốt trên 38 độ C, có thể rét run.

    - Ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên...

    - Khó thở, thở nhanh, tím tái.

    - Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.

    - Các triệu chứng khác là đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng.

    Chẩn đoán

    - X-quang phổi: Tổn thương thâm nhiễm lan tỏa một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh.

    - Xét nghiệm công thức máu: Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.

    - Ca bệnh xác định: Xét nghiệm dương tính với cúm A/H5.

    Điều trị

    - Dùng thuốc kháng virus.

    - Dùng các thuốc hạ sốt, chống viêm corticosteroid, kháng sinh.

    - Hồi sức hô hấp.

    - Điều trị suy đa tạng (nếu có).

    - Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chăm sóc.

    Các biện pháp phòng, chống dịch

    - Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.

    - Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm.

    - Khi có người sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

    - Dùng Chloramin B, các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn, tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và khu vực có dịch cúm gia cầm.

    - Những người đã được xác định hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly tại bệnh viện. Các chất thải của bệnh nhân, nhất là chất nôn, đờm dãi... phải chứa trong bô có nắp đậy kín và khử khuẩn triệt để bằng Chloramin B.

    - Hạn chế tối đa việc vận chuyển bệnh nhân ra khỏi buồng bệnh và khu vực cách ly.

    - Người bệnh phải luôn mang khẩu trang y tế trong thời gian điều trị cũng như khi di chuyển trong bệnh viện.

    - Trường hợp đặc biệt phải chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực cách ly cần sử dụng xe cứu thương chuyên dụng. Người bệnh và nhân viên hộ tống, lái xe phải có trang bị phòng hộ. Phương tiện vận chuyển và xe sau đó phải được khử khuẩn trước khi sử dụng lại.

    - Các chất thải trong quá trình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân phải được xử lý như các chất thải y tế nguy hại.

    - Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc gia cầm bị bệnh được lập danh sách theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải được đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt độ trên 38 độ C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

    - Những người được cách ly theo dõi nên bố trí nơi ăn ngủ riêng, hạn chế đi lại, tiếp xúc, thường xuyên mang khẩu trang y tế và sử dụng thuốc sát khuẩn mũi họng hàng ngày.

    - Tại gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử khuẩn bề mặt bằng Chloramin B 2% hoặc xử lý không khí bị ô nhiễm bằng fomaline.

    - Người tiếp xúc hoặc giết mổ gia cầm phải được trang bị phòng hộ.

    - Những người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trong khu dịch thực hiện tốt phòng hộ cá nhân hàng ngày, đặc biệt đeo mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Cúm A/H5

Share This Page