Lần đầu tiên, các nhà khoa học tái tạo những gì bệnh nhân mắc hội chứng prosopometamorphopsia (PMO) khi nhìn gương mặt người khác. Gương mặt biến dạng mà Sharrah trông thấy khi nhìn mọi người. Ảnh: Antônio Mello Vào một sáng mùa đông cách đây 3 năm, Victor Sharrah thức dậy và trông thấy bạn cùng phòng đi vào nhà tắm. Tuy nhiên, khi Sharrah nhìn vào gương mặt người bạn, ông rất hoảng hốt vì những đường nét kéo giãn ra như "mặt quỷ". Trong mắt Sharrah, khóe miệng và mắt bạn ông bị kéo dài, đôi tai nhọn và có nhiều nếp nhăn sâu trên trán. Thực chất, gương mặt bạn ông không có gì thay đổi, thay vào đó một hội chứng đã biến đổi cách Sharrah nhìn nhận. Ông vô cùng sợ hãi bởi điều tương tự cũng xảy ra khi ông nhìn gương mặt của những người khác. "Tôi tìm cách giải thích với bạn cùng phòng những gì tôi thấy và anh ấy nghĩ tôi bị điên", Sharrah chia sẻ. "Hãy tưởng tượng bạn thức dậy vào một buổi sáng và đột nhiên mọi người trên thế giới đều trông giống nhân vật trong phim kinh dị". Sharrah, hiện nay 59 tuổi và sinh sống ở Clarksville, Tennessee, được chẩn đoán mắc prosopometamorphopsia (PMO), một rối loạn thần kinh cực kỳ hiếm gặp khiến gương mặt con người trông như bị biến dạng. Từ năm 1904, có chưa đến 100 ca mắc bệnh được ghi nhận và nhiều bác sĩ chưa từng nghe về bệnh này. Nhưng trường hợp của Sharrah có thể nâng cao nhận thức về hội chứng bí ẩn và cung cấp hiểu biết về cuộc sống của những người mắc PMO. Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra mô phỏng kỹ thuật số về gương mặt bị biến dạng trông như thế nào đối với người mắc PMO như Sharrah và công bố phát hiện trên tạp chí The Lancet hôm 23/3, theo Smithsonian. Gương mặt chỉ biến dạng khi Sharrah nhìn trực tiếp mọi người. Khi ông nhìn gương mặt trên ảnh hoặc màn hình máy tính, hình ảnh dường như hoàn toàn bình thường. Sự khác biệt này cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để tái tạo những gì Sharrah trông thấy. Họ làm vậy bằng cách cho Sharrah xem ảnh gương mặt một người trong khi người đó đứng trong phòng cùng với ông. Khi ông tả những khác biệt giữa ảnh chụp và người thực, nhóm nghiên cứu điều chỉnh bức ảnh cho tới khi nó trùng khớp với mô tả của Sharrah. Triệu chứng của PMO khác biệt đáng kể từ người này sang người khác. Các gương mặt có thể phù thũng, nhợt nhạt hoặc có họa tiết kỳ quặc, đồng thời những đặc điểm đặc biệt có thể dịch chuyển tới vùng khác trên gương mặt. Khi nhìn vào trong gương, gương mặt của chính bệnh nhân có thể biến dạng. Vì vậy, trong lúc ảnh chỉnh sửa kỹ thuật số đại diện cho những gì Sharrah thấy khi nhìn gương mặt mọi người, chúng có thể không khớp với trải nghiệm của bệnh nhân PMO khác. Tuy nhiên, hình ảnh rất hữu dụng để mọi người hiểu rõ loại biến dạng mà bệnh nhân có thể trông thấy, theo Jason Barton, nhà thần kinh học ở Đại học British Columbia tại Canada, người không tham gia nghiên cứu. Các bác sĩ thường nhầm lẫn PMO với hội chứng sức khỏe tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần. Dù có một số trùng lặp về triệu chứng, một khác biệt lớn là bệnh nhân mắc PMO không nghĩ thế giới thực sự biến dạng, họ nhận thức được cách nhìn của họ có sự khác biệt, theo đồng tác giả nghiên cứu Antônio Mello, nhà tâm lý học nhận thức và khoa học thần kinh ở Đại học Dartmouth. "Nhiều người e ngại đề cập đến triệu chứng bởi sợ người khác nghĩ các biến dạng là dấu hiệu của rối loạn tâm thần", Brad Duchaine, nhà tâm lý học kiêm nhà khoa học não ở Đại học Dartmouth, nói. Đối với nhiều người, các triệu chứng PMO biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng với một số người như Sharrah, chúng có thể kéo dài nhiều năm. Giới nghiên cứu chưa rõ điều gì gây ra PMO dù nghi ngờ đó là kết quả từ các vấn đề ở bộ phận não xử lý hình ảnh gương mặt. Một số bệnh nhân mắc PMO sau khi bị đột quỵ, bệnh truyền nhiễm, khối u hoặc thương tích ở đầu trong khi số khác bị bệnh thức thời mà không thể giải thích rõ ràng. Đối với Sharrah, 4 tháng trước khi triệu chứng bắt đầu, ông bị nhiễm độc carbon monoxide. Trước đó hơn một thập kỷ, ông bị thương nặng ở đầu khi ngã ngửa về phía sau và đầu đập xuống sàn. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông, điều chỉnh màu ánh sáng theo tông xanh lá cây đặc biệt sẽ giúp ông nhìn thấy gương mặt thực sự. Các nhà nghiên cứu hy vọng bài báo mới sẽ giúp những bác sĩ chẩn đoán chính xác PMO. Họ cũng hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ giúp bệnh nhân PMO bớt cảm thấy đơn độc. An Khang (Theo Smithsonian) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress