Microsoft từng bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện về vấn đề độc quyền sản phẩm năm 1998 và sau 26 năm, Apple cũng bị cáo buộc tương tự. Năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cho rằng công ty phần mềm của Bill Gates lợi dụng sự thống trị hệ điều hành máy tính để chèn ép những phần mềm mà họ coi là mối đe dọa đối với sự bá chủ của Windows. Cuộc xung đột kéo dài 4,5 năm, cuối cùng phải nhờ đến sự dàn xếp để tránh án phạt nghiêm khắc. Nhưng cũng từ đó, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Microsoft dần suy yếu, chỉ phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại những năm gần đây. Ngày 21/3, DOJ tiếp tục đưa Apple vào tầm ngắm, tố cáo công ty iPhone độc quyền thị trường và thao túng giá smartphone. Theo giới chuyên gia, hai vụ kiện về cơ bản giống nhau về bản chất, nhưng thị trường smartphone ngày nay rất khác so với thời Microsoft thống trị mảng phần mềm cách đây gần 30 năm. Bên ngoài một cửa hàng Apple Store tại Seoul. Ảnh: Huy Đức Tình thế của Apple so với Microsoft Theo Reuters, một số chuyên gia pháp lý cho rằng trong vụ kiện mới, DOJ phải chứng minh hoạt động kinh doanh của Apple là "độc quyền", gây tổn hại cho người tiêu dùng bằng cách làm giảm chất lượng sản phẩm đối thủ. Chẳng hạn, DOJ nói Apple gây khó khăn cho người dùng khi sử dụng tin nhắn màu xanh lá để phân biệt đó là người gửi từ Android, hay Apple Watch không tương thích Android. Trong quá khứ, Microsoft cũng bị cáo buộc lạm dụng vị thế thống trị để cản trở việc tự do cài đặt phần mềm trên máy tính chạy Windows. Douglas Ross, học giả về chống độc quyền tại Đại học Washington, cho rằng Apple có thể ký hợp đồng với bất kỳ ai họ muốn và thiết kế các sản phẩm mà họ thấy phù hợp. "Mọi thứ sẽ chỉ thành vấn đề khi công ty có quyền lực độc quyền thực hiện biện pháp nhằm giảm lợi nhuận ngắn hạn để loại bỏ các đối thủ trong dài hạn", ông nói. Trong những năm 1990, Microsoft kiểm soát 95% thị phần hệ điều hành máy tính để bàn. Điều này khiến DOJ không yên tâm và yêu cầu công ty "mở" nền tảng của mình. Trong khi đó, Apple chiếm 55% thị phần smartphone ở Bắc Mỹ và 64% tại Mỹ tính đến cuối tháng 9/2023, còn lại là các mẫu máy Android từ Samsung, Motorola và các hãng khác, theo Canalys. Cũng theo số liệu từ hãng phân tích thị trường này, Apple và Samsung cùng có thị phần toàn cầu khoảng 20%. "Microsoft rõ ràng là công ty độc quyền khi họ không hề có một đối thủ cạnh tranh xứng tầm nào ở lĩnh vực hệ điều hành máy tính. Nhưng ngày nay, Android rất phổ biến, các thiết bị chạy nền tảng này cạnh tranh sòng phẳng với iOS", Ross đánh giá. Do đó, ông cũng dự đoán DOJ không dễ dàng thắng Apple như với Microsoft. Patrick McGahan, một trong các luật sư của DOJ, cho biết cơ quan này "chấp nhận rủi ro trong một vụ án thực sự lớn". Một luật sư khác là Melissa Maxman nói vụ kiện Microsoft đã thay đổi cục diện công nghệ, do đó bà kỳ vọng vụ kiện với Apple cũng sẽ có kết quả tương tự. Apple sẽ "câu giờ"? Theo CNBC, việc DOJ kiện Apple với sự tham gia của hàng trăm luật sư ở 15 bang sẽ đe dọa mô hình kinh doanh dạng "khu vườn có tường bao quanh" của hãng. Nếu DOJ thắng, Apple có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh, thậm chí không loại trừ khả năng công ty phải tái cơ cấu, giải thể nhiều bộ phận. Ở chiều ngược lại, DOJ sẽ phải chấp nhận mức thị phần 64% của Apple tại Mỹ không phải độc quyền, từ đó đem đến cho công ty lợi thế trong các vụ kiện có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, dù trường hợp nào, quá trình tranh chấp pháp lý được dự đoán sẽ kéo dài nhiều năm. William Kovacic, người đứng đầu Trung tâm Luật Cạnh tranh tại Đại học George Washington, cho biết công đoạn kiện tụng mà hai bên thực hiện sẽ đều mất thời gian. Thực tế, phiên tòa được lên lịch vào năm 2025 và quá trình kháng cáo sẽ khó kết thúc trước năm 2027, tùy thuộc thẩm phán nào được chỉ định xét xử. John Newman, giáo sư luật tại Đại học Miami và là cựu luật sư DOJ, nói rằng thông thường, các công ty bị cáo buộc vi phạm chống độc quyền như Apple thích kéo dài thời gian diễn ra phiên tòa. "Nói chung, họ thích lê gót chân mãi mãi. Chắc chắn, mọi thứ sẽ kéo dài hàng năm trời vì họ muốn thế", Newman nói với CNBC. Thực tế, Google cũng từng bị DOJ kiện về độc quyền vào tháng 10/2020 nhưng năm ngoái mới bắt đầu quá trình xét xử, còn các biện pháp khắc phục vẫn chưa được quyết định. Đơn kiện nhằm vào Microsoft có từ 1998, nhưng đến 2021, đơn kháng cáo mới được gửi, trước khi thỏa thuận dàn xếp diễn ra hơn một năm sau đó. Bảo Lâm Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ