Hà NộiCụ ông 79 tuổi bị hẹp phế quản, được bác sĩ mở khí quản và cho điều trị tại nhà, hai tháng sau cổ họng nhiễm trùng, có nhiều giòi. Ngày 20/3, bác sĩ Trần Hữu Thắng, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết khi bệnh nhân nhập viện, cổ họng mùi hôi khó chịu, sưng, nhìn thấy có ký sinh trùng bâu bên ngoài. Bệnh nhân cho biết tình trạng cổ họng có mùi hôi đã xuất hiện hai tháng. Đến khi ông không nói được, người nhà kiểm tra phát hiện có ký sinh trùng nên đưa ông đi viện. Các bác sĩ xác định phần ống mở nội khí quản trong cổ họng bệnh nhân có giòi làm tổ. Ê kíp thủ thuật can thiệp gắp ra khoảng 30 con giòi. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân tiến triển, họng không sưng, không còn mùi khó chịu, các chức năng dần phục hồi. Đây là trường hợp rất hiếm xảy ra ở những bệnh nhân mở khí quản, theo bác sĩ Thắng. Nguyên nhân là ống mở nội khí quản chưa được vệ sinh đúng quy cách trong thời gian bệnh nhân điều trị tại nhà dẫn đến bẩn, nhiễm trùng, xuất hiện giòi. Mở khí quản là thủ thuật mở một đường thở qua khí quản, mục đích khai thông đường thở, tạo điều kiện chăm sóc bệnh nhân dễ dàng, tăng hiệu quả hút đờm. Mở khí quản được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp cần thở máy dài ngày. Một số người bệnh có thể phải mang ống (canuyn) mở khí quản thời gian dài sau khi ra viện. Đa phần họ được rút ống khi hết chỉ định, phản xạ ho tốt. Bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân sau phẫu thuật, đặt ống khí quản cần được thay băng, rửa vết mở mỗi ngày một lần. Sau khi vệ sinh, cần quan sát vùng da xung quanh, kiểm tra màu sắc, che lỗ mở khí quản bằng miếng gạc ẩm để tránh bụi bẩn và dị vật rơi vào đường thở. Định kỳ đến cơ sở y tế để khám lại vết mở khí quản. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress