Giảng viên, sinh viên các trường đại học tại Cần Thơ sẽ tham gia các khóa đào tạo vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp, nhằm phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tại Tây Nam Bộ. Nội dung hợp tác đào tạo vi mạch giữa trường Bách khoa - Đại học Cần Thơ, trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ và Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu ký sáng 17/3 trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, TP Cần Thơ, đại diện doanh nghiệp bán dẫn như Marvell, Ampere Computing, Ansys, Spartronics... Theo đó, các bên sẽ xây dựng khung chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn tại TP Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các trường được tài trợ hệ thống máy tính, bản quyền thiết kế chip phục vụ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về vi mạch cho giảng viên, sinh viên, viên chức. Học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ được kết nối các doanh nghiệp bán dẫn trên thế giới cũng như ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao để làm việc, ứng dụng kiến thức học vào thực tế. Thông qua hoạt động đào tạo, các bên sẽ tổng hợp, đánh giá hiệu quả và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Nguồn nhân lực giúp TP Cần Thơ và các địa phương lân cận đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Đại diện các bên tham gia ký kết hợp tác đào tạo nhân lực vi mạch tại TP Cần Thơ. Ảnh: BTC Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao TP Cần Thơ trong việc chủ động phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn thông qua việc hợp tác đào tạo. Ông cho rằng nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp bán dẫn có vai trò đặc biệt trong tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Nhân lực cũng chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn đã được quan tâm xây dựng. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn. Theo Bộ trưởng Đạt, Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan... và các doanh nghiệp trong nước. Ông tin tưởng hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và bán dẫn có ý nghĩa quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư cho TP Cần Thơ và vùng Tây Nam Bộ. Sinh viên trường đại học kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trong buổi học tại phòng lab của trường. Ảnh: CTUET Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, cho biết địa phương đang triển khai đề án thành lập Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và Khu Công nghệ cao Cần Thơ theo quy hoạch tích hợp thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0... và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực điện tử và vi mạch bán dẫn. Với việc hợp tác giữa các bên, lãnh đạo TP Cần Thơ cho rằng đây là bước thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn, giúp hoạt động xúc tiến hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của thành phố cũng như cả vùng. Hà An Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress