Hà NộiBệnh nhân 75 tuổi bị đau đầu sau đó đau nhức, mờ mắt, đi khám phát hiện thị lực giảm, giác mạc phù, phải phẫu thuật. Ngày 17/3, bác sĩ Hoàng Thanh Tùng, Khoa mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân không có tiền sử chấn thương hay bệnh lý đặc biệt. Kết quả khám phát hiện giác mạc phù, đồng tử giãn, nhìn mờ, chẩn đoán mắc glôcôm. Glôcôm được ví là "kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng". Đây là nhóm bệnh mà nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, gây lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường (trường nhìn của mắt). Nhiều bệnh nhân bị mù một mắt do glôcôm mà không hề hay biết do tỷ lệ phát hiện thấp, khi đến viện đã không thể cứu vãn thị lực. Để điều trị, bác sĩ đã hạ nhãn áp cấp cứu bằng thuốc sau đó phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng phương pháp phaco để lấy lại thị lực. Sau hai tháng, nhãn áp của người bệnh tự điều chỉnh về mức bình thường, hết các triệu chứng nhức, mờ, sinh hoạt bình thường. Bệnh khó phát hiện vì thế đa phần người bệnh nhập viện khi đã muộn, thị lực khó cứu vãn. Với những trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể đau nhức mắt, nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, nhìn mờ. Ngoài ra, bệnh diễn biến âm thầm ở một số người, khi phát hiện thì thị lực đã giảm nghiêm trọng. Hiện chưa có biện pháp nào có thể phòng bệnh glôcôm. Theo khuyến cáo của hiệp hội glôcôm thế giới, người trước 40 tuổi nên đi khám mắt định kỳ hai đến 4 năm một lần. Người 40-60 tuổi nên khám hai đến ba năm một lần. Người sau 60 tuổi khám mắt từ một đến hai năm một lần. Người sau 65 tuổi, khám mắt định kỳ 6-12 tháng. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm lưu ý cần khám mắt 6 tháng một lần để tầm soát căn bệnh này. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress