Sau thời gian dài trục trặc liên lạc với tàu Voyager 1, NASA lần đầu tiên thu được tín hiệu có ý nghĩa từ tàu vũ trụ đang bay trong không gian liên sao. Mô phỏng tàu Voyager bay trong không gian. Ảnh: NASA Sau 4 tháng căng thẳng, NASA cuối cùng nhận được tín hiệu có thể đọc được từ tàu vũ trụ Voyager, Live Science hôm 15/3 đưa tin. Từ tháng 11/2023, tàu vũ trụ gần 50 tuổi gặp sự cố với máy tính trên tàu. Dù Voyager 1, một trong những nhiệm vụ không gian dài nhất của NASA, vẫn đều đặn gửi tín hiệu vô tuyến về Trái Đất, tín hiệu đó không chứa bất kỳ dữ liệu hữu dụng nào khiến các nhà khoa học bối rối. Hiện nay, đáp lại một câu nhắc lệnh gửi từ Trái Đất hôm 1/3, NASA nhận được tín hiệu mới từ tàu Voyager 1 mà các kỹ sư có thể giải mã được. Các nhà khoa học trong nhiệm vụ hy vọng thông tin này có thể giúp họ giải thích vấn đề liên lạc gần đây của tàu vũ trụ. "Nguồn gốc vấn đề dường như nằm ở một trong 3 máy tính trên tàu, hệ thống phụ về dữ liệu bay (FDS) chịu trách nhiệm đóng gói dữ liệu khoa học và kỹ thuật trước khi gửi về Trái Đất bằng bộ điều biến đo xa", NASA cho biết. Hôm 1/3, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề máy tính của tàu Voyager 1, NASA truyền lệnh tới FDS trên tàu vũ trụ, hướng dẫn thiết bị sử dụng nhiều trình tự khác nhau trong gói phần mềm, giúp rà soát hiệu quả dữ liệu có thể bị lỗi. Voyager 1 ở cách Trái Đất hơn 24 tỷ km. Điều này có nghĩa bất kỳ tín hiệu vô tuyến nào gửi từ Trái Đất mất 22,5 giờ để truyền tới tàu vũ trụ và mọi phản hồi cần thời gian tương đương để ăngten trên Trái Đất có thể thu lại. Hôm 3/3, NASA phát hiện hoạt động từ một bộ phận của FDS khác với dòng dữ liệu không thể đọc mà họ thu được trước đó. 4 ngày sau, các kỹ sư bắt đầu nhiệm vụ giải mã tín hiệu này. Hôm 10/3, cả đội phát hiện tín hiệu chứa thông tin về toàn bộ bộ nhớ của FDS, bao gồm chỉ dẫn những gì FDS cần làm, giá trị mã hóa có thể thay đổi theo lệnh từ NASA hoặc tình trạng của tàu vũ trụ, dữ liệu khoa học và kỹ thuật có thể tải được. Voyager 1 bay xa Trái Đất hơn bất kỳ vật thể nhân tạo nào. Con tàu phóng vào năm 1977, cách vài tuần sau Voyager 2, tàu vũ trụ song sinh với nó. Mục tiêu ban đầu của nhiệm vụ là khám phá sao Mộc và sao Thổ. Tuy nhiên, sau gần 5 thập kỷ và vô số phát hiện, nhiệm vụ tiếp tục bay ra ngoài ranh giới hệ Mặt Trời. Hiện nay, các nhà khoa học NASA sẽ so sánh thông tin mới với dữ liệu trước khi vấn đề phát sinh, tìm kiếm sai khác về mã hóa và những thay đổi có thể hé lộ nguồn gốc của vấn đề. Tuy nhiên, NASA nhấn mạnh họ cần thời gian để xác định thông tin thu được từ tín hiệu mới có thể dùng để giải quyết vấn đề liên lạc kéo dài của tàu Voyager 1 hay không. An Khang (Theo Live Science) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress