Ăn mặn, stress thúc đẩy ung thư dạ dày ở người trẻ

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 16, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 88)

    Hà NộiStress mạn tính cùng thói quen ăn uống phản khoa học khiến nhiều người trẻ viêm loét dạ dày, tăng nguy cơ ung thư.


    Thông tin được TS. Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại Hội nghị cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa, ngày 15/3. Đây là dịp các bác sĩ cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa nhằm điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

    "Bệnh đang có xu hướng tỷ lệ mắc tăng và trẻ hóa", TS Hùng nói. Tổ chức Ung thư Toàn cầu Globocan 2022 ghi nhận Việt Nam có hơn 16.000 ca ung thư, tăng khoảng 15% so với 2020.

    Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa, trong đó khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và khoảng 1-2% trường hợp ung thư dạ dày. Đặc biệt, ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, theo TS Hùng. Nhiều bệnh nhân độ tuổi 20, thậm chí có trẻ 10 tuổi.

    Nguyên nhân ung thư dạ dày có thể do ăn uống không lành mạnh, ăn mặn, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, gây quá tải cho đường tiêu hóa. Ngoài ra, thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá; nhiễm vi khuẩn HP; yếu tố di truyền; viêm loét dạ dày mạn tính... cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.

    "Trẻ nhỏ mắc ung thư dạ dày thường là nhiễm vi khuẩn HP lây truyền từ cha mẹ hoặc từ môi trường xung quanh. Lâu dần, vi khuẩn HP gây các ổ loét mạn tính và tiến triển thành ung thư dạ dày", TS Hùng nói.

    Với người trưởng thành và trẻ lớn, nguy cơ ung thư đường tiêu hóa đến từ lối sống, đặc biệt là stress và áp lực công việc, gia đình. Trẻ chịu nhiều áp lực về học hành, thời gian ăn uống, học tập không khoa học, tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh dẫn đến viêm loét dạ dày cấp, mãn tính.

    "Viêm loét dạ dày không được điều trị dứt điểm thì 40% trở thành mạn tính. Trong số bệnh nhân mạn tính, khoảng 60% bị ung thư dạ dày", bác sĩ Hùng cảnh báo.

    [​IMG]

    Bệnh nhân nội soi dạ dày, đại tràng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh:Lê Nga


    Ung thư dạ dày được chia thành hai giai đoạn sớm và tiến triển. Biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm không rõ, triệu chứng giống viêm viêm loét dạ dày như chán ăn, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn, đau nóng rát hoặc căng tức vùng thượng vị, cảm giác ậm ạch, khó tiêu và ăn nhanh no.

    Giai đoạn bệnh tiến triển, các triệu chứng biểu hiện rầm rộ hơn gầy sút cân, đau vùng thượng vị liên tục, nôn mửa và có khi nôn ra máu, đai tiện phân đen, thiếu máu với biểu hiện da niêm mạc nhợt, số lượng hồng cầu giảm qua xét nghiệm.

    Ở giai đoạn này, nếu còn khả năng phẫu thuật, bệnh nhân phải mổ cắt dạ dày và vét hạch (phẫu thuật triệt căn). Sau phẫu thuật, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà bệnh nhân có thể được điều trị bổ trợ bằng hóa chất.

    Việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm cũng như áp dụng các tiến bộ trong điều trị rất quan trọng. Tuy nhiên, các triệu chứng ung thư đường tiêu hóa thường mờ nhạt, diễn tiến âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác, do đó bệnh thường được phát hiện muộn.

    Mọi người được khuyến cáo duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời nội soi đường tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm, tránh tổn thương tiến triển thành ung thư.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Ăn mặn, stress thúc đẩy ung thư dạ dày ở người trẻ

Share This Page