Ghép khác loài hay cấy ghép các bộ phận của loài khác vào cơ thể người gần đây trở thành lĩnh vực hàng đầu trong khoa học y sinh. Cấy ghép khác loài đạt nhiều thành tựu lớn trong những năm gần đây. Ảnh: AAMC Trong hai năm qua, phẫu thuật ghép khác loài đã đạt một số cột mốc quan trọng, bao gồm cấy ghép tim và thận lợn chỉnh sửa gene cho bệnh nhân chết não. Bất chấp nhiều thành tựu đột phá, ghép khác loài từng có lịch sử lâu dài với nhiều thí nghiệm gây chú ý, theo IFL Science. Một số nỗ lực ghép khác loài đầu tiên bắt đầu vào thế kỷ 17 với nghiên cứu của bác sĩ người Pháp Jean-Baptiste Denys, một nhà tiên phong về truyền máu. Trong nỗ lực đầu tiên nhằm truyền máu, Denys bơm máu cừu cho một cậu bé 15 tuổi bị sốt kinh niên. Theo lời kể của Denys, cậu bé bất ngờ phục hồi và nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo và vui vẻ. Nhưng khả năng phục hồi trong dài hạn của cậu bé vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, không phải mọi thí nghiệm đều thành công. Truyền máu khác loài bị cấm ở Pháp vào khoảng năm 1670 sau cái chết của một trong những bệnh nhân của Denys. Nhiều thế kỷ sau, không chỉ máu, các nhà khoa học bắt đầu thử ghép mô và nội tạng giữa các loài. Một nhà tiên phong trong lĩnh vực ghép khác loài là Serge Voronoff, nhà khoa học người Nga làm việc ở Paris vào đầu thế kỷ 20. Ông cấy ghép một phần tinh toàn của tinh tinh cho những người đàn ông lớn tuổi bị mất hưng phấn. Voronoff đã tiến hành một số lượng lớn ca phẫu thuật kiểu này và kiếm rất nhiều tiền. Một trong những người được phẫu thuật bởi Voronoff là dược sĩ người Australian, bác sĩ Henry Leighton-Jones. Ông trải qua ca cấy ghép tinh hoàn từ linh trưởng ở Paris năm 1929. Hài lòng với kết quả, Leighton-Jones quay trở lại Australia và tiếp nối Voronoff với những ca phẫu thuật tương tự. Vào thập niên 1960, ý tưởng sử dụng loài linh trưởng làm vật hiến tạng thu hút sự quan tâm của tiến sĩ Keith Reemtsma, nhà khoa học Mỹ làm việc ở Đại học Tulane, Louisiana. Tuy cấy ghép thận đã phát triển vào khoảng thời gian đó, số lượng ca cấy ghép cực kỳ hạn chế do thiếu thận sẵn có từ người qua đời. Nhằm giải quyết vấn đề, Reemtsma tìm hiểu việc sử dụng thận từ loài họ hàng gần gũi nhất với con người là tinh tinh. Từ năm 1963 đến năm 1964, ít nhất 13 bệnh nhân được cấy ghép thận từ nguồn nội tạng là tinh tinh. Phần lớn những ca cấy ghép này thất bại do hiện tượng đào thải khiến bệnh nhân chết trong vòng 8 tuần. Một số trường hợp đạt thành công hạn chế. Một bệnh nhân của Reemtsma sống 9 tháng và thậm chí quay lại công việc dạy học trong tình trạng sức khỏe tốt. Tuy nhiên, một ngày, người phụ nữ bất ngờ ngã gục và tử vong. Thận tinh tinh dường như vẫn khỏe mạnh và không xảy ra hiện tượng đào thải, khiến các bác sĩ kết luận bệnh nhân chết do rối loạn điện giải cấp tính. Giới nghiên cứu cũng nhiều lần tìm cách cấy ghép tim linh trưởng vào cơ thể người. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất được thực hiện bởi bác sĩ Leonard Bailey. Ông cấy ghép quả tim của khỉ đầu chó cho một bé gái mồ côi có biệt danh bé Fae vào năm 1984. Bé gái sinh thiếu tháng và mắc hội chứng thiểu sản tim trái, khiếm khuyết nguy kịch cần phẫu thuật khẩn cấp. Do không có sẵn tim hiến tặng từ trẻ sơ sinh, Bailey quyết định tới phòng thí nghiệm nghiên cứu trong bệnh viện và gây mê một con khỉ đầu chó để mổ lấy tim. Sau đó, ông quay lại và cấy ghép vào lồng ngực bé gái. Ban đầu, biện pháp của Bailey dường như hiệu quả khi quả tim lớn cỡ hạt óc chó bắt đầu đập. Tuy nhiên, bé Fae qua đời 20 ngày sau đó do hiện tượng đào thải. Ca bệnh được biết tới rộng rãi và gây nhiều tranh cãi. Ngay cả ngày nay, ghép khác loài vẫn là chủ đề gây nghi ngại với cộng đồng và các nhà đạo đức sinh học còn nhiều điều cần suy xét đối với loại phẫu thuật này. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn hiến tạng khiến hàng trăm người chết mỗi năm. Dù còn cần nghiên cứu sâu hơn, ghép khác loài có tiềm năng giải quyết vấn đề và cứu sống sinh mạng. An Khang (Theo IFL Science) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress