'Sát thủ' khiến nhiều trẻ nhìn mờ, mắc bệnh mạn tính

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 12, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 98)

    TP HCMSau nhiều năm dùng thuốc chứa corticoid để trị chàm bẩm sinh, mắt của Hằng đau nhức, nhìn mờ, phải bảo lưu chương trình học lớp 10.


    Thiếu nữ 15 tuổi, ngụ quận 8, bị chàm ở tay từ nhỏ, gia đình thường xuyên tự mua thuốc ở các hiệu thuốc để bôi giúp giảm mẩn ngứa. "Lúc mắt bị mờ phải nghỉ học giữa chừng đi chữa bệnh, em rất sợ hãi, lo lắng bị mù, không nghĩ bôi thuốc ngoài da mà lại gây tác hại vậy", Hằng nói.

    Ngày 12/3, BS.CK2 Trang Thanh Nghiệp, Trưởng Khoa Glaucoma, Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết bệnh nhân bị tăng nhãn áp, glaucoma (cườm nước) do corticoid. Theo các thống kê, cứ mỗi 10.000 bệnh nhân sử dụng corticoid sẽ có 280 người bị glaucoma. Đây là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác dẫn đến mù vĩnh viễn. Người mắc glaucoma có thể duy trì thị lực bằng các phương pháp nội hoặc ngoại khoa.

    Hiện nay, việc sử dụng hoạt chất corticoid, dân gian thường gọi là "thuốc dexa" tại Việt Nam không được kiểm soát chặt, có thể tự mua dễ dàng tại hiệu thuốc hoặc nhiều người sử dụng lại toa thuốc cũ. Thêm vào đó, một số bệnh lý cần được điều trị với corticoid kéo dài như hen suyễn, chàm, viêm kết mạc dị ứng, những bệnh lý tự miễn và ghép tạng...

    Với hiệu quả cao trong kiểm soát viêm, chống dị ứng, corticoid giúp bệnh nhân cảm thấy hết nhanh các triệu chứng nhưng có thể gây biến chứng như tăng nhãn áp và glaucoma. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giảm thị lực và mù lòa không hồi phục ở những bệnh nhân sử dụng corticoid kéo dài, thường là trong thời gian từ 4-6 tháng.

    Triệu chứng của glocom thứ phát do corticoid thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở mắt. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm đau nhức mắt, nhìn mờ, nhòe, nhìn quầng sáng xung quanh đèn, mất thị lực ngoại vi... Nhiều trường hợp, bệnh nhân đến khám với thị lực gần như mù.

    Trước đây, những bệnh nhân mắc bệnh này chủ yếu dùng thuốc nhỏ hạ nhãn áp hoặc phẫu thuật bằng cách cắt bè củng mạc hoặc đặt van dẫn lưu tiền phòng. Sau mổ, tình trạng viêm và xơ sẹo nhiều làm tỷ lệ thất bại cao, trẻ cần phải phẫu thuật thêm nhiều lần. Ngoài ra, phẫu thuật này có nguy cơ cao xuất hiện những biến chứng nguy hiểm đe dọa thị lực của trẻ như hạ nhãn áp quá mức, bong hắc mạc, nhiễm trùng bọng, viêm mủ nội nhãn...

    Theo BS.CK2 Mai Đăng Tâm, glaucoma là một vấn đề nan giải, đặc biệt ở trẻ em. Trẻ bị bệnh này cần phải theo dõi và điều trị suốt đời. Có những phẫu thuật mới sử dụng những thiết bị đắt tiền, nhưng sau vài năm thiết bị đó không còn hiệu quả mà phải thay thế bằng phương pháp phẫu thuật khác. Do đó, các bác sĩ đặt ra mục tiêu tìm cách phẫu thuật mang lại hiệu quả tốt hơn.

    Trải qua 4 năm tìm tòi, nghiên cứu, các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP HCM đã phát triển phương pháp mổ tối ưu hơn. Theo đó, nguyên nhân chính tình trạng tăng nhãn áp ở bệnh nhân glaucoma khi dùng corticoid kéo dài là những biến đổi cấu trúc tại con đường thoát lưu dịch ở mắt. Vì vậy, bác sĩ nghiên cứu mổ rạch đường nhỏ ở góc tiền phòng của mắt, sau đó rửa sạch các chất lắng đọng, giúp tái lập con đường thoát lưu dịch tự nhiên sẵn có của mắt (đã bị tắc nghẽn do dùng corticoid kéo dài). Việc này sẽ giải quyết nguyên nhân chính của tăng nhãn áp.

    Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian mổ ngắn, ít đau đớn, khả năng điều trị thành công cao, tỷ lệ tái phát thấp, ít biến chứng nguy hiểm. Sau phẫu thuật, nhãn áp của bệnh nhân được kiểm soát tốt, thị lực được cải thiện đáng kể. Phương pháp này vừa được nhận Giải thưởng Thành tựu Y học Việt Nam 2023, ngày 26/2.

    "Phẫu thuật này ít tổn hại mô, bảo vệ được mô mắt, còn các phương cũ xâm lấn nhiều, tổn thương mắt nhiều, nếu mổ lại thì rất khó khăn, trong khi glaucoma là bệnh mạn tính, đòi hỏi phải điều trị kéo dài", bác sĩ Nghiệp nói.

    Từ khi triển khai năm 2022 đến nay, bệnh viện đã mổ thành công cho hơn 50 bệnh nhân gặp vấn đề bệnh nói trên, trong đó có Hằng. Sau mổ, cô gái cải thiện thị lực, trở lại trường tiếp tục việc học, duy trì tái khám định kỳ. Nếu bệnh tái phát, bác sĩ có thể tiếp tục mổ lại phương pháp này, không gây tổn hại mắt.

    [​IMG]

    Bác sĩ Bệnh viện Mắt TP HCM phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Bác sĩ Nguyễn Quang Đại, Bệnh viện Mắt TP HCM, khuyến cáo phụ huynh theo dõi các dấu hiệu ở trẻ như sợ ánh sáng, giác mạc to hơn bình thường, hay chảy nước mắt, cần đưa đi khám chuyên khoa, đo nhãn áp chẩn đoán đúng bệnh. Trẻ mắc glaucoma phải khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

    Người nhà và bệnh nhân không nên tự ý sử dụng corticoid. Khi có bệnh lý cần điều trị với corticoid kéo dài, nên đến khám mắt sớm hơn và thường xuyên hơn.

    Lê Phương


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - 'Sát thủ' khiến nhiều trẻ nhìn mờ, mắc bệnh mạn tính

Share This Page