Hà NộiSau 4 tuần được ghép tim từ một thanh niên chết não, người đàn ông 53 tuổi xuất viện với trái tim mới đập trong lồng ngực. Bệnh nhân quê Lạng Sơn, là trường hợp ghép tim đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hôm 30 Tết Giáp thìn. Ông được phát hiện bệnh cơ tim thể giãn, suy tim nhiều năm nay, gần đây có những cơn rung thất đe dọa tử vong. "Trường hợp này đã được chúng tôi cho vào danh sách chờ ghép tim. Nếu không được ghép, người bệnh có thể bị đột tử bất cứ lúc nào", Đại tá Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện 108, nói. Người hiến là thanh niên 26 tuổi bị chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông. Y bác sĩ đã nỗ lực điều trị, hồi sức tích cực tìm cơ hội sống cho bệnh nhân nhưng may mắn đã không đến. Sau 3 ngày điều trị, anh được chẩn đoán chết não, gia đình đồng ý hiến mô, tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo khác. Sáng 30 Tết Giáp thìn, hơn 150 y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã lấy và ghép 8 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận - tụy, hai tay, hai giác mạc từ người cho chết não. Đến chiều, những nhịp tim đầu tiên ở người nhận đã chạy trên màn hình theo dõi liên tục (monitor). Sau ghép, bệnh nhân được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Sức khỏe của bệnh nhân hồi phục tốt, được xuất viện sau một tháng ghép tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Thượng tá Ngô Đình Trung, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng, Bệnh viện 108, cho biết ê kíp đã phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép, đặc biệt áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau ghép. "Trường hợp này có tình trạng nhịp tim chậm sau ghép, chúng tôi đã sử dụng máy tạo nhịp để duy trì nhịp tim cho bệnh nhân kết hợp các thuốc điều chỉnh nhịp. Quá trình nhịp tim chậm kéo dài gần 3 tuần, sau đó trở về trong giới hạn bình thường", bác sĩ Trung nói. 4 tuần sau khi ghép tim, ông được xuất viện với niềm vui của y bác sĩ và gia đình. "Tôi như là một em bé mới được sinh ra vậy", bệnh nhân nói, cảm ơn người hiến, y bác sĩ, hôm 8/3. TS Hải cho biết đây là lần lấy - ghép đa tạng thứ 5 của bệnh viện. Ghép tạng không phải thành tựu của một cá nhân hay một chuyên khoa mà là thành tựu của hệ thống, giúp hồi sinh nhiều cuộc đời. Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế. Tính đến đầu tháng 10/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress