Cỗ máy chơi cờ từng đánh bại Benjamin Franklin và Napoleon

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Mar 9, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 131)

    Dù gây nhiều tranh cãi, cỗ máy chơi cờ Turk ra đời hàng trăm năm trước từng nổi tiếng trên khắp thế giới.

    [​IMG]

    Cỗ máy chơi cờ Turk gồm một hình nộm và hệ thống máy móc bên dưới. Ảnh: Amusing Planet


    Vào cuối thế kỷ 18, một nhà phát minh người Hungary tên Wolfgang von Kempelen giới thiệu với hoàng hậu Maria Theresa của nước Áo một robot khác thường. Khác với bất kỳ cỗ máy từ động nào thời đó có thể thực hiện hoạt động tỉ mỉ như chơi nhạc cụ hoặc viết bằng bút mực trên giấy, cỗ máy của Kempelen thể hiện trí thông minh giống như con người, nó có thể chơi cờ vua với bất kỳ đối thủ nào là con người và đánh bại họ. Cỗ máy kỳ diệu này đã mê hoặc khán giả khắp châu Âu và châu Mỹ trong hơn một thế kỷ, từng đối đầu và đánh bại những nhân vật nổi tiếng như Napoléon Bonaparte và Benjamin Franklin, theo Amusing Planet.

    Cỗ máy có tên là Mechanical Turk, bao gồm một chiếc tủ lớn, chứa nhiều máy móc phức tạp, bên trên là một bàn cờ. Một hình nộm bằng gỗ mặc áo choàng Ottoman, đầu đội khăn xếp ngồi phía sau chiếc tủ. Kempelen bắt đầu màn trình diễn bằng cách cửa tủ cho khán giả thấy toàn bộ hệ thống gồm các bánh xe, bánh răng, đòn bẩy và máy móc đồng hồ dày đặc. Sau khi khán giả yên tâm không có gì giấu bên trong, Kempelen sẽ đóng cửa lại, quay máy bằng một chiếc chìa khóa và mời một người tình nguyện đóng vai đối thủ của Turk.

    Một ván cờ sẽ bắt đầu với Turk đi nước đầu tiên. Nó sẽ sử dụng tay trái nhặt các quân cờ và di chuyển sang một ô khác trước khi đặt xuống. Nếu đối thủ thực hiện một nước đi không hợp lệ, Turk sẽ lắc đầu và đưa con cờ vi phạm trở lại ô ban đầu. Nếu người chơi cố tình gian lận, như Napoléon đã làm khi đối đầu với cỗ máy vào năm 1809, Turk sẽ phản ứng bằng cách bỏ quân cờ đó ra khỏi bàn cờ và đi nước tiếp theo. Khi người chơi thử phạm luật lần thứ ba, robot sẽ quét cánh tay của nó qua bàn cờ, gạt tất cả quân cờ xuống, chấm dứt cuộc chơi.

    Các kỳ thủ đều phát hiện Turk chơi cờ cực giỏi, liên tục giành chiến thắng trong những trận đấu với tay cờ có kỹ năng tốt. Trong một chuyến du đấu ở Pháp năm 1783, Turk đã đấu với François-André Danican Philidor, kỳ thủ cờ vua giỏi nhất thời đó. Mặc dù lần đó Turk bại trận, Philidor mô tả đây là "ván cờ mệt mỏi nhất từ trước đến nay" đối với ông.

    Khi robot chơi cờ ngày càng nổi tiếng, mọi người bắt đầu tranh cãi về cách thức hoạt động của nó. Một số người cho rằng phát minh của Kempelen thực sự có khả năng tự hiểu và chơi cờ. Tuy nhiên, phần lớn hoài nghi cỗ máy thực chất là trò lừa tinh vi, chuyển động của người gỗ được điều khiển bởi chính Kempelen, bằng cách sử dụng nam châm hoặc dây điện từ xa, hoặc ít nhất bởi một người điều khiển nấp bên trong tủ. Một trong những người hoài nghi mạnh mẽ nhất là nhà văn người Anh, Philip Thicknesse. Ông từng viết một chuyên luận về chủ đề này với tựa đề "Nhân vật biết nói và robot chơi cờ tự động - Phát hiện và vạch trần". Nhưng Thicknesse không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.

    Kempelen mất vào năm 1804, con trai ông đã bán Turk và những bí mật về nó cho Johann Nepomuk Malzel, một nhạc sĩ người Bavaria, Đức. Mazel đã mang nó đi trình diễn khắp châu Âu và Mỹ. Nhà văn nổi tiếng Edgar Allan Poe đã xem nó biểu diễn và viết một bài phân tích dài, suy đoán về cách thức hoạt động của cỗ máy tự động này. Ông cho rằng một cỗ máy thực sự phải thắng tất cả trận đấu cờ và hiển thị một kiểu chơi đặc trưng như thực hiện nước đi trong khoảng thời gian cố định, điều mà Turk không làm được. Poe kết luận Turk phải được vận hành bởi con người.

    Sau khi Mazel mất vào năm 1838, robot chơi cờ được mua lại bởi John Kearsley Mitchell, bác sĩ riêng của Edgar Allan Poe và là người ngưỡng mộ Turk. Ông quyên tặng cỗ máy này cho Bảo tàng Charles Willson Peale ở Philadelphia. Tại đó, nó nằm chơ vơ ở một góc và bị lãng quên hoàn toàn, cho đến khi bị hỏa hoạn thiêu rụi năm 1854.

    Robot chơi cờ trở thành bí ẩn trong hơn 50 năm cho đến khi Silas Mitchell, con trai của John Kearsley Mitchell, viết một loạt bài báo trên tờ The Chess Weekly, tiết lộ cơ chế hoạt động bên trong của Turk. Theo Mitchell, khi Turk đã bị thiêu rụi, ông "không còn lý do gì che giấu đáp án cho bí ẩn xưa cũ này với những người chơi cờ nghiệp dư". Mitchell cho biết Turk là trò lừa của một ảo thuật gia thông minh. Bên trong chiếc tủ gỗ rộng rãi có một người điều khiển, kéo và đẩy các đòn bẩy khác nhau để làm cho hình nộm phía trên cử động và chơi cờ.

    Chủ nhân cỗ máy có thể giấu người vận hành mà không ai thấy vì cửa chỉ mở một bên trước khán giả, cho phép anh ta lẻn nhanh vào bên trong. Các quân cờ có nam châm nhỏ nhưng mạnh được gắn vào đế sẽ hút một nam châm tương ứng trong các sợi dây bên dưới bàn cờ và bên trong hộp. Điều này cho phép người điều khiển bên trong máy theo dõi quân cờ nào di chuyển đến đâu trên bàn cờ.

    Kempelen và chủ nhân sau đó của Turk là Johann Malzel đã chọn những kỳ thủ giỏi để bí mật vận hành cỗ máy vào nhiều thời điểm khác nhau. Khi Malzel cho Napoléon xem cỗ máy tại cung điện Schonbrunn năm 1809, một người Đức gốc Áo tên Johann Baptist Allgaier đã vận hành robot Turk từ bên trong.

    Năm 1818, trong một thời gian ngắn, Hyacinthe Henri Boncourt, kỳ thủ hàng đầu nước Pháp, trở thành người điều khiển Turk. Một lần, khi ẩn mình bên trong cỗ máy tự động, Boncourt hắt hơi và khán giả nghe thấy âm thanh đó khiến Malzel bối rối, vội vàng tìm cách đánh lạc hướng. Sau lần đó, Malzel đã thêm một số bộ phận gây ồn vào Turk, để triệt tiêu mọi âm thanh có thể phát ra từ người điều khiển.

    Khi Malzel mang Turk đi Mỹ biểu diễn, ông thuê kỳ thủ cờ vua người châu Âu, William Schlumberger, vận hành chiếc máy. Một lần sau buổi biểu diễn, hai cậu bé bí mật trốn trên mái nhà đã thấy Schlumberger bước ra khỏi cỗ máy. Ngày hôm sau, một bài báo xuất hiện trên tờ Baltimore Gazette vạch trần vụ việc. Ngay cả Edgar Allan Poe cũng nhận thấy Schlumberger luôn mất tích trong buổi biểu diễn nhưng thường xuyên được nhìn thấy khi Turk không thi đấu.

    Bất chấp sự phơi bày, niềm say mê đối với robot chơi cờ Turk không suy giảm đối với phần đông khán giả. Một số học giả đã nghiên cứu và viết về Turk trong thế kỷ 19. Nhiều cuốn sách khác về Turk cũng được xuất bản vào cuối thế kỷ 20. Turk cũng truyền cảm hứng cho một số phát minh và mô phỏng như Ajeeb, phiên bản nhái theo Turk, do Charles Hooper, một nhà sản xuất tủ người Mỹ, tạo ra vào năm 1868. Các đối thủ của Ajeeb bao gồm Harry Houdini, Theodore Roosevelt và O. Henry.

    Khi Edmund Cartwright nhìn thấy Turk ở London năm 1784, ông rất tò mò và tự hỏi liệu "chế tạo một cỗ máy có thể dệt vải có khó hơn một cỗ máy thực hiện tất cả các bước di chuyển cần thiết trong trò chơi phức tạp đó hay không?". Trong vòng một năm, Cartwright được cấp bằng sáng chế cho nguyên mẫu máy dệt chạy bằng điện.

    Năm 1912, Leonardo Torres y Quevedo ở Madrid chế tạo cỗ máy tự động chơi cờ thực sự đầu tiên gọi là El Ajedrecista, có thể chơi đến hết ván với 3 quân cờ mà không cần sự can thiệp của con người. Giới nghiên cứu mất thêm 80 năm nữa trước khi máy tính có thể chơi cả ván cờ và đánh bại những kỳ thủ giỏi nhất thế giới.

    An Khang (Theo Amusing Planet)​


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Cỗ máy chơi cờ từng đánh bại Benjamin Franklin và Napoleon

Share This Page