Một nhóm nhà khoa học ở công ty Colossal Biosciences lấy được tế bào gốc đa năng cảm ứng ở voi, giúp hồi sinh voi ma mút tuyệt chủng dễ dàng hơn. Voi ma mút lông xoăn có nhiều đặc điểm thích nghi với khí hậu vùng cực. Ảnh: Wired Các nhà khoa học tạo ra đột phá về tế bào gốc ở voi, giúp họ tiến gần hơn một bước trong nỗ lực hồi sinh voi ma mút lông xoăn đã tuyệt chủng từ lâu, theo thông báo từ công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences. Nhóm nghiên cứu của công ty cho biết họ đã lấy thành công tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) từ voi châu Á (Elephas maximus). iPSC là tế bào được tái lập trình để có thể tạo ra bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, có nghĩa các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu những đặc điểm thích nghi khiến voi ma mút lông xoăn (Mammuthus primigenius) khác biệt với họ hàng gần nhất còn sống của chúng, sau đó thử chỉnh sửa gene mà không cần lấy mô từ động vật sống. "Những tế bào này đem lại lợi ích lớn cho công việc hồi sinh loài", Eriona Hysolli, giám đốc sinh vật học ở Colossal Biosciences, cho biết. Theo Hysolli, điều thiết yếu là iPSC có thể hé lộ quá trình tế bào và di truyền phía sau những đặc điểm giúp voi ma mút lông xoăn phát triển mạnh ở Bắc Cực, bao gồm bộ lông rậm rạp, ngà cong, mỡ tích trữ và xương sọ hình vòm. iPSC cũng mở đường để tạo ra tế bào trứng và tinh trùng của voi, rất cần thiết để hồi sinh voi ma mút trong phòng thí nghiệm. Với chưa đến 52.000 con voi châu Á còn sót lại trong tự nhiên theo tổ chức WWF, thu thập tế bào từ cá thể sống rất khó khăn. Trước đây, lấy iPSC từ voi là thách thức lớn bởi loài vật này có hệ gene phức tạp không tìm thấy ở loài khác. Các nhà nghiên cứu vượt qua trở ngại bằng cách ức chế gene chủ chốt gọi là TP53 phụ trách điều phối sự phát triển tế bào và ngăn tế bào sao chép không ngừng. Đột phá trên có thể làm sáng tỏ quá trình phát triển ban đầu ở voi, hiện nay là trở ngại lớn nhất đối với hồi sinh voi ma mút lông xoăn. Nếu nhóm nghiên cứu tạo thành công phôi thai voi ma mút lông xoăn bằng cách kết hợp ADN voi ma mút cổ đại với tế bào voi, họ sẽ cần cấy phôi thai vào một con voi mang thai hộ để hoàn thành thai kỳ dài 22 tháng. "Thời kỳ mang thai ở voi quá dài và phức tạp, bởi vậy hiểu rõ đặc điểm phát triển sinh học ở voi rất quan trọng", Hysolli nói. Chỉnh sửa phôi thai voi ma mút lông xoăn không còn là thách thức lớn, nhưng cho ra đời voi con khỏe mạnh đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nhóm của Hysolli vẫn đang nghiên cứu phương pháp thay thế để tạo ra iPSC của voi và nuôi dưỡng những tế bào họ mới phát triển. Việc tái lập trình tế bào voi thành iPSC có nhiều ứng dụng khác ngoài hồi sinh voi ma mút lông xoăn. Công nghệ có thể thúc đẩy bảo tồn voi thông qua cho phép các nhà nghiên cứu sản xuất và thụ tinh nhân tạo tế bào sinh sản. An Khang (Theo Live Science) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress