Tether (USDT) đạt cột mốc 100 tỷ USD lưu hành, nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của stablecoin này được cho là tiềm ẩn nguy cơ. "Tether đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hàng ngày trên thị trường tiền số, chủ yếu là cơ chế chuyển đổi nhanh giữa các giao dịch", Michael Hall, chuyên gia của công ty quản lý tài sản tiền điện tử Nickel Digital tại London, cho biết. Biểu tượng tiền số Tether trên smartphone. Ảnh: Reuters Thị trường tiền số đang phục hồi sau đợt lao dốc năm 2022, khi Bitcoin đã vượt đỉnh cũ để lên mức 69.000 USD. Tether cũng phát triển nhanh chóng. Ngày 5/3, công ty cho biết khoảng 29 tỷ USD tiền USDT đã được tạo ra năm ngoái. Gần nhất là đầu tuần này, thêm một tỷ USDT được "bơm" ra thị trường. Nhờ đó, tổng giá trị của stablecoin này cán mốc 100 tỷ USD trong thị trường tiền số. USDT là một trong các stablecoin hàng đầu. Stablecoin là tiền số được phát triển trên blockchain và có vai trò ổn định giá, được neo cố định theo giá trị của tiền pháp định, như USD hoặc Euro. Trên lý thuyết, một đồng stablecoin sẽ có giá tương đương một USD (tỷ lệ quy đổi 1:1), bất kể các loại tiền số khác trồi sụt như thế nào. Loại tiền này trở thành yếu tố quan trọng với hệ sinh thái tiền điện tử, giúp người dùng dễ dàng giao dịch. Khác với một số stablecoin khác, Tether đảm bảo cho đồng USDT bằng tài sản thật. Công ty từng cho biết cách làm này giúp đồng tiền không gây rủi ro, điều đã xảy ra với Terraform Labs của Do Kwon, khi stablecoin UST chỉ được đảm bảo việc giữ giá 1:1 nhờ một token khác là Luna. Khi Luna "sập", UST cũng sụp đổ. Nhưng với việc Tether hiện nắm giữ lượng dự trữ trị giá 100 tỷ USD trong các tổ chức ngân hàng truyền thống, Rajeev Bamra, trưởng bộ phận chiến lược tài sản kỹ thuật số và DeFi tại Moody's Investor Service cho rằng "bất cứ điều gì xảy ra với Tether cũng sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức ngân hàng khác". "Tôi nghĩ rủi ro tập trung vào Tether rất lớn", Bamra nói khi đề cập sự thống trị của Tether trong thế giới tiền số. Năm ngoái, tổ chức S&P Global Ratings xếp Tether ở vị trí thứ tư trong thang điểm đánh giá độ ổn định của stablecoin, thấp thứ hai trên thang điểm từ 1 đến 5, với lý do thiếu thông tin về người giám sát, đối tác hoặc nhà cung cấp tài khoản ngân hàng dự trữ. Cuối năm ngoái, Tether cho biết kho dự trữ của công ty nắm giữ 63 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, 3,5 tỷ USD kim loại quý, 2,8 tỷ USD Bitcoin, 3,8 tỷ USD "các khoản đầu tư khác" và 4,8 tỷ USD "các khoản vay có bảo đảm". "Nhưng báo cáo về kho dự trữ này chưa cấu thành một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính đầy đủ", Paul Brody, người phụ trách mảng blockchain toàn cầu tại Ernst & Young, nhận định. Nhà phân tích Rebecca Mun của S&P Global Ratings cũng cho rằng dù các khu vực pháp lý khác nhau đang xây dựng luật về stablecoin, Tether hiện không chịu sự giám sát cụ thể của cơ quan có thẩm quyền hoặc quy định về cách thức hoặc nơi dự trữ tài sản. Tether, được đăng ký tại Hong Kong, hiện thuộc sở hữu của một công ty đã đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Trước các thông tin về tài sản đảm bảo, công ty khẳng định "hoàn toàn minh bạch". Theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư tiền số hiện có niềm tin lớn vào Tether vì đây là stablecoin ổn định, kể cả khi thị trường rơi vào hỗn loạn. "Dù không có tài sản nào là không rủi ro, nhất là ở môi trường tiền số đầy biến động, hồ sơ theo dõi của Tether cho thấy nó là lựa chọn có rủi ro tương đối thấp trong phạm vi tài sản kỹ thuật số", Hall của Nickel Digital nhận xét. Bảo Lâm (theo Reuters) Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ