Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Kiên Giang ghi nhận ba người mắc bệnh đậu mùa khỉ, khoanh vùng dập dịch. Chiều 6/3, đại diện CDC tỉnh cho biết thông tin trên, thêm rằng 3 người này ngụ ở huyện An Biên, Giồng Riềng và TP Phú Quốc. Hiện chưa rõ 3 ca có mối liên quan hay không. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân đầu tiên là nam, 42 tuổi, ở huyện An Biên, làm nghề ngư phủ, phát bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 1 được điều trị khỏi, sau đó tử vong do HIV. Hai trường hợp còn lại ở huyện Giồng Riềng và TP Phú Quốc (21 và 24 tuổi) đang cách ly, điều trị, hiện sức khỏe ổn định. CDC Kiên Giang phối hợp các địa phương khoanh vùng, điều tra dịch tễ. Sau hai tuần, ngành chức năng chưa phát hiện ca bệnh mới tại khu vực các bệnh nhân sinh sống. Hình ảnh 3D mô phỏng virus đậu mùa khỉ. Ảnh: WHO Tuần trước, tỉnh Cà Mau (lân cận với Kiên Giang) ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên. Người này ở xã Định Bình, TP Cà Mau, triệu chứng đau rát vùng quy đầu và có mụn mủ. Đậu mùa khỉ là bệnh tái nổi, lan ở nhiều nước từ giữa năm 2022, lây nhiễm chính qua tiếp xúc gần theo đường tình dục (lây giống HIV), cọ xát với mụn nước. Hầu hết trường hợp bệnh xảy ra trên nhóm đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình, người mắc HIV. Việt Nam ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022, đến cuối tháng 12/2023 cả nước ghi nhận hơn 70 ca trong đó 6 người đã tử vong. Phần lớn bệnh nhân là nam, nhiều người đồng tính nam hoặc mắc HIV. Triệu chứng thường gặp là sốt, nổi hạch. Một số xuất hiện mụn nước, mụn mủ ở vài nơi trên cơ thể, như mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục... Đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng, có thể tự khỏi trong vòng từ 2 đến 4 tuần, trừ một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, trẻ em... bệnh nặng hơn. Người bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc cần được bác sĩ khám, đánh giá tình trạng lâm sàng để có chỉ định điều trị phù hợp. Ngọc Tài Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress