Bộ Y tế đề xuất người ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, tiểu đường, viêm gan C, B có thể được BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm. Nội dung trên được Bộ đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đề xuất bổ sung, mở rộng đối tượng được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Theo đó, quan điểm của Bộ Y tế là việc khám bệnh nhằm đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh lý, do đó cần mở rộng chi trả. Diện sàng lọc được đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B. Bộ Y tế đánh giá mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT mang lại giá trị kinh tế lớn do phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị ở giai đoạn muộn. Khi bệnh nặng kèm theo các biến chứng, phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao. Năm 2023, chi phí của 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng. Việc chẩn đoán và điều trị sớm còn giúp tiết kiệm ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khỏe, xã hội. Như vậy, Nhà nước sẽ được lợi tối đa về tổng thể. Ví dụ, với bệnh tiểu đường type 2, năm 2021 ước tính số bệnh nhân ở Việt Nam là gần 4 triệu người, trong đó 50% chưa được chẩn đoán. Quỹ BHYT chi cho điều trị gần 2 triệu bệnh nhân, chi phí riêng tiền thuốc là hơn 3.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 8,4% tổng chi Quỹ. Năm 2023 ghi nhận hơn 15,5 triệu lượt khám chữa bệnh tiểu đường, chi phí lên đến trên 6.766 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng chi quỹ. Còn gần 22 triệu lượt khám chữa bệnh tăng huyết áp, chi phí hơn 6.000 tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng chi quỹ. Bộ Y tế cho rằng nếu sàng lọc tiểu đường type 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ BHYT trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Sàng lọc tăng huyết áp, số tiền tiết kiệm được trung bình 1.216,8 tỷ đồng/năm. Đối với người dân, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính, tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả. Như vậy, người dân được BHYT chi trả phí khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chi tiền túi từ 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025. Người dân đến khám bệnh, mua thuốc tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần Đề xuất BHYT chi trả cho một số bệnh ung thư và mạn tính này từng được các chuyên gia nhiều lần đề cập trong các hội thảo về góp ý, xây dựng sửa đổi dự thảo. Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, cho rằng việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh giúp giảm các chi phí y tế sau này, phòng tránh rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc kịp thời có thể giảm tỷ lệ nhập viện. Một số người lo ngại khi áp dụng đề xuất trên, quỹ BHYT không thể chi trả. Bà Trang cho rằng hiện các nước trên thế giới đã thực hiện, kết quả khả quan. Những bệnh được đề xuất chi trả phí sàng lọc đều là bệnh phổ biến. Đơn cử, kỹ thuật sàng lọc ung thư cổ tử cung được khuyến cáo thực hiện lần đầu vào năm 30 tuổi, sau đó 5-10 năm mới làm tiếp lần hai, tần suất thực hiện thấp, chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị bệnh, nhất là ở giai đoạn muộn, cao hơn rất nhiều lần. Trong dự thảo, Bộ Y tế cũng đề xuất nâng độ tuổi được BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ mắt, trừ trường hợp người dưới 18 tuổi. Trước đó, quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí này với trẻ em dưới 6 tuổi. Dự thảo cũng đề xuất giảm thanh toán BHYT điều trị nội trú và tăng chi trả điều trị ngoại trú. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh qua các năm. Tính đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khóa XV, tháng 5/2024. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress