Các chuyên gia đề xuất bổ sung hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật, nhằm có thêm nguồn tạng cứu hàng nghìn người bệnh chờ ghép. "Thế giới tận dụng các nguồn hiến tạng từ người sống và người chết. Với người chết có hai nguồn là nguồn chết tim và chết não. Việt Nam đã có luật, quy định hướng dẫn về chẩn đoán chết não nhưng luật chưa đề cập đến chết tim", PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, nói tại hội thảo Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam, ngày 29/2. Thực tế, Việt Nam đã có Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não. 20 năm qua, nhiều nước trên thế giới đã tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Như ở Trung Quốc, hiến tạng được lấy từ 3 nguồn, gồm người chết não, chết tim và chết tim sau khi chết não. Cụ thể, ở Trung Quốc, 64% thận hiến từ người còn sống, 19% từ người chết tim, 17% từ người chết não. Còn tại Việt Nam, hiện 95% ca ghép tạng được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não, ngược với xu hướng thế giới. "Như vậy, nguồn hiến tạng, hiến mô từ người chết tim cần được cụ thể hóa để đưa vào Luật Hiến ghép mô tạng và xây dựng quy trình cụ thể", ông Hệ đề xuất, thêm rằng cách thức, quy trình, tiêu chuẩn để chẩn đoán người chết tim rất khác so với quy trình chẩn đoán chết não. Từ kinh nghiệm lấy, ghép tạng của bệnh viện, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết ghép tạng từ người hiến ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn là một dạng hiến tạng mở rộng nhằm tận dụng tối đa những mô tạng còn chức năng để ghép. Trên thế giới, nguồn hiến từ người chết não hay chết tim đã tăng cao. Trước thực trạng này, bà Thu cho rằng cần đề xuất bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật với việc xây dựng hoàn chỉnh chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn y khoa, tài chính - là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô - tạng, bảo đảm tính minh bạch, công bằng. "Thực tế, nhiều gia đình đã đồng ý hiến tạng nhưng trong quá trình đánh giá chết não, bệnh nhân bất ngờ ngừng tuần hoàn. Trường hợp này, người bệnh không thể hiến tạng (do không được đánh giá chết não), đồng nghĩa mất đi một nguồn hiến tạng cứu người quý giá", PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức nói. Đứng ở góc độ nhà quản lý, ông Hà Trường Giang, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng hoàn toàn có cơ sở để tăng cường nguồn tạng từ người cho chết tim xuất phát từ quy định có trong Hiến pháp và Luật hiến ghép mô, tạng. Còn TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết cần cân nhắc quy trình xác định chết tim cần làm nghiêm túc. Để xây dựng bộ tiêu chuẩn chết tim, nên tham khảo và áp dụng bộ tiêu chuẩn đã áp dụng trên thế giới. Các bác sĩ Bệnh viện 108 cúi đầu mặc niệm người hiến tạng chết não, trước khi phẫu thuật lấy tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế. Tính đến đầu tháng 10/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép, song chỉ gần 6% số ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não, chết tim (tương đương gần 500 ca). Hiện cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép tạng, trong đó chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress