Nhà khoa học Việt vào lớp thành viên cấp cao của Học viện sáng chế Mỹ

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 28, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 105)

    PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Đại học Connecticut được bầu vào lớp thành viên cấp cao năm 2024 của Học viện sáng chế Mỹ vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu.


    Thông tin được chia sẻ trên trang website của Học viện sáng chế quốc gia (NAI) Mỹ ngày 27/2. Các thành viên cấp cao của NAI là giảng viên, nhà khoa học và nhà quản lý tích cực, được đề cử từ các tổ chức của NAI. Đây là những "ngôi sao đang lên" tạo ra các công nghệ mới, mang lại tác động đến xã hội. Họ còn là người thành công trong lĩnh vực cấp bằng sáng chế, cấp phép và thương mại hóa, những người có tầm nhìn học thuật, đào tạo và cố vấn cho thế hệ nhà sáng chế kế cận.

    Chỉ các tổ chức thành viên của NAI mới được quyền đề cử các cá nhân xuất sắc vào danh sách này. Sau đó họ được Ủy ban cố vấn NAI gồm các thành viên cấp cao NAI, chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực tương ứng lựa chọn. Trở thành thành viên cấp cao là sự công nhận của quốc gia về những thành tựu và khám phá, là nơi kết nối mạng lưới hàng đầu của các nhà đổi mới.

    Lớp thành viên cấp cao năm 2024 có quy mô lớn nhất với 124 cá nhân, đại diện từ 60 tổ chức thành viên NAI. Họ được xướng tên là những nhà phát minh/sáng chế của hơn 1.000 bằng sáng chế Mỹ, trong đó có hơn 340 công nghệ được cấp phép và sản phẩm được thương mại hóa.

    Trong số này PGS. TS Nguyễn Đức Thành được biết đến với thành tích nghiên cứu về miếng dán vaccine đặt trực tiếp lên da và phóng thích các vi kim (microneedles) rất nhỏ vào lớp biểu bì (tương tự mực xăm) để đưa vaccine vào cơ thể một cách dễ dàng, không cần những mũi tiêm khác nhau.

    Trước đó năm 2018, TS Thành cùng các thành viên ở Đại học Connecticut là nhóm đầu tiên chế tạo cảm biến điện tử được chuyển đổi từ vật liệu dùng cho chỉ tự tiêu. Thiết bị được cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân và truyền tín hiệu ra bên ngoài thông qua công nghệ không dây. Chúng có khả năng tự tiêu hủy mà không cần thêm lần phẫu thuật lấy ra giống cảm biến thông thường.

    [​IMG]

    Thiết bị chip phát sóng siêu âm có kích thước nhỏ, mềm dẻo như các mô não. Ảnh: Nhóm nghiên cứu


    Năm 2022, miếng dán làm từ các sợi nano của poly-L lactic axit (PLLA) lần đầu tiên giúp tái tạo sụn trong các khớp bị tổn thương. Khi cấy ghép vào trong khớp xương, dưới lực tác động từ cử động của khớp, như đi bộ, tấm polymer áp điện PLLA sẽ tạo ra xung điện yếu nhưng ổn định, giúp "triệu hồi" các tế bào gốc, kích thích việc tiết ra protein giúp trình hình thành và tái tạo sụn. Nghiên cứu mang lại hy vọng cho người viêm khớp.

    Một công trình khác là thiết bị tạo sóng siêu âm tự phân hủy sinh học có khả năng đưa thuốc vào não, mang lại hy vọng điều trị cho bệnh nhân ung thư. Nhóm nghiên cứu của TS Thành đã tạo thành công các chip phát sóng siêu âm có kích thước nhỏ, mềm dẻo có thể cấy ghép và tích hợp với các mô não để phát ra sóng siêu âm đủ mạnh thuận lợi đưa thuốc hóa trị liệu vào não. Chúng cho phép thực hiện việc hóa trị lặp lại nhiều lần và có khả năng tự tiêu an toàn trong cơ thể sau khi cấy ghép.

    [​IMG]

    TS Nguyễn Đức Thành (phải) cùng nghiên cứu sinh tại phòng nghiên cứu. Ảnh: Uconn Today


    TS Nguyễn Đức Thành sinh ra tại Đà Nẵng. Anh tốt nghiệp hệ kỹ sư tài năng ngành vật lý Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2007, sau đó nhận học bổng tiến sĩ và sau tiến sĩ tại Mỹ và được quỹ từ thiện của Bill Gates tài trợ để làm nghiên cứu về vaccine. Anh từng nhận giải thưởng cho giáo sư trẻ xuất sắc trong lĩnh vực y học tái tạo (2020); Giáo sư trẻ xuất sắc được bầu chọn bởi tạp chí chuyên nghành nổi tiếng về vật liệu y sinh (Journal of Biomaterials, 2023), Một trong 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc trên thế giới của Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ (SME) năm 2018, top 10 nhà sáng chế hàng đầu dưới 35 tuổi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương do MIT bình chọn (2018).

    Chủ tịch NAI, Paul R. Sanberg, cho biết lớp thành viên cấp cao năm nay thực sự là minh chứng cho sự đổi mới mạnh mẽ đang diễn ra tại các tổ chức thành viên của NAI. "Chúng tôi tự hào chào đón những nhà phát minh, học thuật xuất sắc, mong muốn hỗ trợ và tôn vinh những cá nhân trong hành trình đổi mới", ông chia sẻ trên website của Học viện.

    Trải qua 7 năm bầu chọn kể từ năm 2018, đến nay đã có 553 thành viên cấp cao, sở hữu hơn 6.800 bằng sáng chế Mỹ. Trong số này có một số tên tuổi người Việt như Khanh Pham (The University of New Mexico, năm 2020), Hien Nguyen (University of Houston, năm 2021), Thanh Nguyen (University of Connecticut, năm 2024)...

    Như Quỳnh


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nhà khoa học Việt vào lớp thành viên cấp cao của Học viện sáng chế Mỹ

Share This Page