Nhiều bệnh viện đang ứng dụng công nghệ, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ khám chữa bệnh giúp chẩn đoán chính xác hơn, điều trị hiệu quả. Anh Trung, 45 tuổi, đột ngột yếu nửa người phải, nói khó, vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu ở giờ thứ hai sau khởi phát triệu chứng. Lúc này bệnh nhân lơ mơ, không nói được, tiên lượng xấu. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) được gửi lên hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh (PACS) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Hệ thống này tích hợp phần mềm AI Rapid để định lượng chính xác vùng lõi nhồi máu và vùng tổn thương thiếu máu não. Chỉ 30 giây đến 3 phút, Rapid gửi kết quả tính toán vùng não cần cứu sống và vùng não đã tổn thương không hồi phục tỷ lệ là 1,9. "Nếu chỉ chụp CT mạch não thì xác định được vị trí tắc mạch nhưng không thể đánh giá được sau can thiệp lấy huyết khối bệnh nhân có khả năng phục hồi hay không", bác sĩ Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, nói. Dựa vào đánh giá của Rapid, bác sĩ quyết định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kết hợp lấy huyết khối động mạch não cho anh Trung. Sau can thiệp, bệnh nhân phục hồi tốt, cơ lực tay chân bên phải hồi phục hoàn toàn. Rapid - phần mềm trí tuệ nhân tạo đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ - là điển hình của việc ứng dụng AI trong y tế, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh, mang lại lợi ích. Phần mềm này hiện được nhiều bệnh viện trên cả nước sử dụng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM)... Nhờ đó, bác sĩ thấy được rõ vùng não đã chết và vùng thiếu máu cần cứu sống để đưa ra quyết định can thiệp chính xác, kịp thời nhất, giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống, hạn chế di chứng về sau. "Công nghệ Rapid có thể kéo dài thời gian vàng điều trị người bị đột quỵ não đến 24 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên, nhờ vậy mà nhiều bệnh nhân đến viện muộn vẫn được cứu sống", bác sĩ Chức nói. Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), Rapid góp công lớn cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ. Nhờ trí tuệ nhân tạo, 50% người bị đột quỵ được đưa đến sau giờ vàng được cứu sống, thoát nguy cơ tử vong và tàn phế. Trước đây thời gian vàng trong can thiệp cho người bệnh đột quỵ là dưới 6 giờ. Song, nhờ ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo từ năm 2019, khoảng thời gian này đã được mở rộng lên đến 24 giờ. Nhiều bệnh viện ứng dụng AI vào điều trị ung thư. Ảnh: Quang Minh Không chỉ đột quỵ, nhiều bệnh nhân khác cũng được hưởng lợi khi bác sĩ sử dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh, điển hình là bệnh ung thư. Như bà Hồng, 56 tuổi, sau khi chụp X-quang tuyến vú tại Bệnh viện Bạch Mai, công nghệ trí tuệ nhân tạo hiển thị kết quả ung thư chỉ trong vòng 20 giây, đồng thời khoanh vùng khu vực nghi ngờ. "Nhờ vậy, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc kết quả X-quang nhanh hơn, chính xác hơn, tránh bỏ sót tổn thương là điều rất cần thiết trong chẩn đoán bệnh ung thư ở giai đoạn đầu", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nói, thêm rằng chụp X-quang và siêu âm tuyến vú là các phương pháp được ưu tiên hàng đầu để sàng lọc ung thư cũng như các bệnh lý tuyến vú. Các bác sĩ đều cho rằng AI mang lại những giá trị thực tế cho bệnh nhân và đội ngũ y tế, phạm vi ứng dụng rộng vào nhiều quy trình bệnh viện, từ tiếp nhận đến chụp chiếu, chẩn đoán, điều trị... Trước đây, khi bệnh nhân nhập viện, nhân viên y tế tiếp nhận phải nhập liệu thông tin bệnh nhân bằng cách thủ công, qua nhiều công đoạn có nguy cơ xảy ra sai sót. Khâu quản lý hình ảnh chẩn đoán chưa được thống nhất làm mất nhiều thời gian của bác sĩ. Nay, ứng dụng AI, thông tin bệnh nhân và hình ảnh chụp được truyền đồng bộ trong hệ thống, từ đó giảm thời gian cho nhân sự vận hành, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Kết quả hiển thị nhanh, chỉ trong 20 giây sau khi chụp chiếu, giúp bác sĩ nhanh chóng khoanh vùng những khu vực nghi ngờ có nguy cơ bất thường ngay từ ban đầu. Khi PGS.TS Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, lần đầu biết đến trợ lý ảo trong nội soi tiêu hóa là năm 2019, khi tham dự hội nghị khoa học ở Mỹ. Lúc này AI là một đề tài mới ở Việt Nam, chưa từng được đề cập trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa. Về nước, sau 5 năm, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Hằng đã hoàn thành thuật toán AI giúp phát hiện polyp đại tràng, phân loại tổn thương lành và ác tính đường tiêu hóa dưới chính xác đến 98-99%. Với đường tiêu hóa trên gồm ung thư thực quản, dạ dày, các thuật toán AI có thể khoanh vùng phát hiện tổn thương 80-85%. Còn PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cũng nhìn nhận trong lĩnh vực xương khớp, AI giúp cá thể hóa việc điều trị cho từng bệnh nhân. Ví dụ trong thay khớp, AI hỗ trợ bác sĩ tính toán, thiết kế đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt... Tổn thương được dựng hình lên trước, đưa dữ liệu vào máy tính, tính toán mô hình giúp bác sĩ đánh giá nhanh tổn thương. AI còn được ứng dụng trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền như sàng lọc người mang gene Thalassemia, xây dựng mô hình học máy tự động đo khoảng sáng sau gáy... Người dân khám bệnh tại bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, đánh giá thực hiện chiến lược chuyển đổi số y tế, nhiều công nghệ được triển khai hiệu quả tại các cơ sở y tế, như điện toán đám mây (hạ tầng phát triển), Internet vạn vật (kết nối và thu nhận, trao đổi dữ liệu y học), block chain (đồng thuận và bất biến dữ liệu), trí tuệ nhân tạo (chức năng thông minh) và dữ liệu lớn (trung tâm của các hoạt động y tế). "AI không thể thay thế các thầy thuốc, nhưng các thầy thuốc sử dụng AI sẽ thay thế các thầy thuốc không sử dụng AI", PSG. Nhung nói, thêm rằng công nghệ số trong y tế giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Một số thành quả công nghệ số hiện mang lại lợi ích cho người dân khi đi khám chữa bệnh như bệnh án điện tử, liên thông khám chữa bệnh, khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ bệnh án điện tử. Đến nay, có hơn 60 bệnh viện (gồm cả công lập và tư nhân) triển khai bệnh án điện tử. Ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, Bộ Y tế, cho biết đang đồng bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử với tất cả cơ sở y tế, trong đó tập trung 4 nền tảng là hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế. Mục tiêu hướng tới người dân đi khám không cần khai tiền sử bệnh tật. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress