GS Nguyễn Quốc Hưng sinh ra trong gia đình khó khăn, bị bệnh động kinh từ nhỏ nhưng ông vượt khó, trở thành nhà khoa học, sở hữu 3 sáng chế trong lĩnh vực cơ học. GS Hưng, 49 tuổi, hiện là trưởng khoa Kỹ thuật, Đại học Việt Đức, Phó chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam. Sở hữu hơn 100 bài báo quốc tế, trong đó có khoảng 70 bài ISI, ít ai nghĩ rằng ông từng trải qua tuổi thơ gian khó, bệnh tật. Ông kể, sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, di cư từ miền Trung vào làm kinh tế mới tại xã Xuân Sơn, Huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu những năm 1980. Cha mẹ ông khai hoang, lập nghiệp bằng nghề trồng lúa, bắp, khoai mì... Từ nhỏ, một buổi đi học, một buổi Hưng giúp gia đình chăn hơn 10 con bò ở vùng rừng núi heo hút xã Xuân Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhà nghèo, năm 10 tuổi, Hưng mắc căn bệnh động kinh, cơ thể co giật liên hồi kèm cơn đau đầu dữ dội mỗi khi thân nhiệt nóng lên. Dần dần, căn bệnh thành mạn tính với tần suất ngày một tăng. Cơn bệnh kéo đến ngay cả khi Hưng thể hiện cảm xúc mạnh như vui, buồn, căng thẳng. Mỗi khi lên cơn co giật, nguy cơ cắn vào lưỡi rất cao. Cũng chính vì vậy hầu hết các thành viên trong gia đình Hưng trên ngón tay đều in hằn những vết sẹo. Bởi vì họ vội cho tay vào miệng ngăn Hưng cắn phải lưỡi mà không kịp xé miếng vải quấn vào đầu ngón tay. Cứ mỗi kỳ thi, cậu bé Hưng được bố trí làm bài ở phòng riêng để giáo viên theo dõi tốt hơn. Đến năm lớp 11 Hưng khỏi bệnh. "Chứng động kinh nếu nặng và kéo dài lâu hơn có thể ảnh hưởng trí tuệ. Tôi thấy mình may mắn", GS Hưng nhớ lại. Năm 1992, Hưng thi đậu vào khoa cơ khí trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Thời điểm đó xu thế công việc trong ngành hàng không với mức thu nhập cao và được nhìn ngắm bầu trời là ước mơ của bao người trẻ. Điều đó thôi thúc cậu sinh viên ứng tuyển khóa học về kiểm soát không lưu trong 2 năm. Sau khi hoàn thành khóa học và tốt nghiệp đại học, Hưng làm công việc kiểm soát viên không lưu. Công việc có thu nhập cao nhưng Hưng "áy náy với tấm bằng đại học chuyên ngành cơ khí và cảm thấy mình không hợp công việc hiện tại". Thêm nữa công việc kiểm soát không lưu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và trách nhiệm với tính mạng hàng trăm con người là những áp lực khiến Hưng chuyển hướng. Khi đó vừa đi làm, Hưng học tiếp lên thạc sĩ về cơ học công trình ở Đại học Liège của Bỉ. Khi học xong thạc sĩ năm 2000, Hưng làm giảng viên Cao đẳng Công nghiệp 4 (nay là Đại học Công nghiệp TP HCM). Hưng bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về cơ học vật rắn khi học tiến sĩ tại Đại học Inha (Hàn Quốc) từ năm 2005 - 2009 và có các nghiên cứu đăng báo. GS Hưng chia sẻ, mỗi trải nghiệm làm khoa học tuy gian nan nhưng nó mang lại niềm vui. Khi nghĩ đến ý tưởng mới, ông như thấy bản thân mình bị lôi kéo. Ông thường ghi các ý tưởng, vẽ phác các nguyên lý mới lên mẩu giấy rồi bày ra bàn và tìm cách kiểm chứng, đánh giá tính khả thi, tìm ra hướng đi phù hợp. GS Nguyễn Quốc Hưng tại trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Hà An Ông kể, lần đầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế phải sửa đi sửa lại không dưới 20 lần. Công trình đầu tiên nghiên cứu về vật liệu thông minh, đăng trên tạp chí Smart Materials and Structures (Anh). Theo ông, bài viết đầu tay rất quan trọng với mỗi nhà khoa học vì nó giúp họ tự tin để đầu tư công sức cho những công trình sau này. Từ các nghiên cứu mang tính cơ bản, GS Hưng cùng cộng sự, phát triển các mô hình thực tế khi nghiên cứu các dạng vật liệu thông minh ứng dụng vào các hệ thống cụ thể. Đến nay, ông sở hữu 3 bằng sáng chế về cơ học chất rắn do Mỹ cấp. Một trong số đó là sáng chế về sử dụng lưu chất thông minh (chất lưu biến từ) có thể điều khiển được độ đông đặc của nó bằng việc sử dụng từ trường. Khi lưu chất đông đặc sẽ hoạt động như một má phanh, tạo ma sát giảm tốc độ. Công nghệ này có thể thay thế việc sử dụng phanh cơ dùng lực ma sát. Sáng chế của GS Hưng đề xuất một mô hình phanh chất lưu biến từ kiểu mới với từ trường tối ưu, dễ chế tạo và bảo dưỡng, kích thước nhỏ gọn. Với sáng chế thứ hai, ông và nhóm nghiên cứu đề xuất một cơ cấu tạo mô men quay hai chiều có thể khử được ma sát dùng lưu chất thông minh. Cơ cấu này thường được sử dụng cho hệ thống phản hồi lực để tạo cảm nhận chính xác lên người điều khiển trong các hệ thống robot phẫu thuật, robot làm việc trong môi trường độc hại điều khiển từ xa... Nhóm cũng nghiên cứu các thuật toán tối ưu mới, cho kết quả nhanh, chính xác trong lĩnh vực cơ học và được cấp bằng sáng chế thứ ba. Các nghiên cứu được đánh giá là mới về cơ học chất rắn, có tiềm năng ứng dụng trong việc dùng lưu chất thông minh cho hệ thống phanh, hệ thống phản hồi lực các cánh tay robot, thiết bị giảm chấn... GS Hưng (thứ 2 từ trái sang) tại phòng lab Khoa kỹ thuật. Ảnh: NVCC Dù được cấp một số bằng sáng chế, nhưng GS Hưng cho rằng, giá trị của nghiên cứu phải được minh chứng bằng ứng dụng thực tế. Bằng sáng chế phải được doanh nghiệp mua. Thời gian nghiên cứu tại Hàn Quốc, ông nhận thấy các trường đại học làm rất tốt việc giới thiệu kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp để ứng dụng. Ông mong muốn các đại học tại Việt Nam làm việc này nhiều hơn để thể hiện đúng bản chất và ý nghĩa của bằng sáng chế. "Thực tế khi làm bằng sáng chế, đặc biệt bằng do Mỹ cấp, chi phí sẽ rất cao. Nên việc thương mại hóa nghiên cứu cần được nhà khoa học đặt lên hàng đầu", GS Hưng nói. Ông cho biết, thời gian tới sẽ giới thiệu các sáng chế được cấp bằng với doanh nghiệp để công nghệ sớm được ứng dụng. TS Hà Thúc Viên, phó hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức đánh giá, trong hơn 7 năm công tác tại trường, GS Hưng tham gia tích cực trong xây dựng chương trình đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ và phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu. Ông là người say mê giảng dạy, làm khoa học và phát triển đội ngũ nhà nghiên cứu trẻ khoa kỹ thuật của trường Hà An Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress