Quy tắc '3 tra 5 đối', dán mã vạch bệnh nhân tránh điều trị nhầm

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 23, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 118)

    Các bệnh viện áp dụng quy tắc "3 tra 5 đối" xác định đúng người bệnh, dùng câu hỏi mở để kiểm tra thông tin, đeo vòng tay mã vạch cho bệnh nhân hôn mê... tránh nhầm lẫn khi điều trị.


    Mới đây, bệnh nhân nam 61 tuổi, khám sỏi thận tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, bị nhầm kết quả phim chụp X-quang của người khác nên được bác sĩ nội soi "lấy dị vật trong bụng". Sở Y tế ghi nhận nhầm lẫn xảy ra đầu tiên ở khâu chụp X-quang, khi nhân viên kỹ thuật gọi tên bệnh nhân này thì bệnh nhân khác vào phòng chụp, kết quả là phim mang tên người này nhưng hình ảnh của người kia.

    Hiện, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế, xác định đúng người bệnh trong điều trị là yêu cầu bắt buộc với tất cả bệnh viện. Tất cả cơ sở y tế đều phải có Quy trình xác định đúng người bệnh, nhằm tránh nhầm lẫn.

    Bệnh viện Chợ Rẫy - tuyến cuối ở phía Nam - kiểm soát thông tin bệnh nhân ở nhiều khâu, ngay từ khu cấp cứu hay phòng khám, để chống nhầm lẫn khi tiếp nhận hàng nghìn người bệnh mỗi ngày. ThS.BS.CK2 Đặng Hoàng Vũ, Phó phòng Quản lý Chất lượng của Chợ Rẫy, cho biết: "Bước xác định người bệnh ban đầu là rất quan trọng, theo suốt bệnh nhân trong quá trình điều trị, khi chuyển lên các khoa lâm sàng".

    Chẳng hạn, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chụp phim X-quang. Kỹ thuật viên phải xác định lại thông tin với người chụp để đảm bảo đúng người, đề phòng trường hợp chuẩn bị chụp cho bệnh nhân này hoặc kêu tên người này nhưng bệnh nhân khác lại vào. Khi đó, nếu không xác định lại thông tin bệnh nhân sẽ dễ dẫn đến chụp nhầm. Bác sĩ đọc kết quả phim X-quang trước khi ký giấy chẩn đoán bệnh cũng cần xem lại thông tin, đọc lại bệnh án để đảm bảo đúng kết quả chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân đó.

    Thực tế, đây là tình huống sai sót khi chụp X-quang dẫn đến bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thực hiện thủ thuật nội soi lấy dị vật nhầm bệnh nhân như trên.

    Với các ca mổ, ê kíp Chợ Rẫy phải thực hiện hàng chục bước của Bảng kiểm soát bệnh nhân trước phẫu thuậtBảng kiểm an toàn trong phẫu thuật, với những khâu trước khi khởi mê, trước khi rạch da, trước khi bệnh nhân rời phòng mổ.

    Riêng chỉ định dùng thuốc, Chợ Rẫy tuân thủ "3 tra, 5 đối" theo quy định của Bộ Y tế. Quy tắc này gồm kiểm tra tên người bệnh, tên thuốc, liều thuốc; đối chiếu nhãn thuốc, thời gian dùng thuốc, chất lượng thuốc, đường dùng thuốc, số giường và số phòng.

    [​IMG]

    Bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy đeo vòng tay chứa các thông tin tên tuổi, địa chỉ, mã vạch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Khâu định danh bệnh nhân cũng được Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM xem là việc quan trọng và cẩn trọng. BS.CK2 Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng, cho biết người bệnh đến viện được ghi lại đầy đủ họ tên, tuổi hoặc năm sinh, giới tính, địa chỉ, số hồ sơ. Dữ liệu xác định đúng người bệnh bao gồm thông tin cá nhân (qua căn cước công dân) và tất cả những gì liên quan như kết quả X-quang, xét nghiệm, máu...

    Nhân viên y tế sử dụng câu hỏi mở kiểm tra thông tin bệnh nhân như tên, ngày tháng năm sinh... đối chiếu với nội dung ghi trong giấy tờ. Bệnh nhân hôn mê, không tỉnh táo, trẻ nhỏ... được nhận diện qua vòng đeo tay chứa tất cả thông tin cá nhân và mã vạch (QR code), có quy ước mã màu để dễ nhận diện. Màu đỏ dành cho người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc nguy cơ dị ứng, màu vàng cho người nguy cơ té ngã, màu tím cho người bệnh cần theo dõi sát, màu trắng dùng cho các bệnh nhân còn lại.

    Bệnh viện áp dụng quy trình Time-out trong phẫu thuật. Theo đó, tất cả thành viên kíp mổ phải xác định lại người bệnh, vị trí mổ qua hồ sơ bệnh án, biên bản hội chẩn về phương pháp và vị trí mổ. Ê kíp cũng nhận diện đúng bệnh nhân bằng cách hỏi trực tiếp trên bàn mổ, kết quả phim X-quang, MRI... Tất cả công việc này thể hiện qua bảng check-list kiểm tra chéo thông tin giữa điều dưỡng dụng cụ, bác sĩ và kỹ thuật viên gây mê, phẫu thuật viên chính và phụ của ê kíp.

    [​IMG]

    Trước khi tiêm thuốc cho bệnh nhân, nhân viên y tế phải áp dụng quy tắc "5 tra 3 đối" để chống nhầm lẫn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Các bác sĩ cho rằng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhân viên y tế ngày càng có nhiều công cụ hiệu quả để chống nhầm lẫn bệnh nhân. Theo BS.CK2 Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình, mỗi bệnh nhân hiện nay có mã số, mã vạch riêng, kể cả thẻ bảo hiểm y tế. Mã này được sử dụng xuyên suốt trong quá trình bệnh nhân điều trị tại viện, vừa giúp nhân viên y tế tiết kiệm thời gian so với nhập liệu bằng tay, vừa đảm bảo thông tin chính xác.

    Bệnh viện tiếp nhận vài nghìn ca bệnh mỗi ngày, việc nhập dữ liệu bằng tay rất dễ xảy ra sai sót, thậm chí nhiều trường hợp bệnh viện bị bảo hiểm y tế từ chối thanh toán lại tiền do sai thông tin bệnh nhân.

    Tại Bệnh viện An Bình từng xảy ra trường hợp hai bệnh nhân cùng họ tên, năm sinh, cư trú chung phường chung quận, đến viện khám cùng thời điểm. Khi đó, bệnh viện chưa áp dụng mã QR, hai bệnh nhân bị gọi vào nhầm phòng khám. "May là hai người bị bệnh khác nhau, khi được gọi vào phòng khám bệnh nhân thắc mắc 'sao tôi đau xương khớp mà lại gọi khám nội tiết'", bác sĩ Giang nói, thêm rằng nhờ phát hiện sớm nên đã không xảy ra hậu quả điều trị nhầm đáng tiếc.

    TS.BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cũng cho biết nơi này áp dụng tối đa các giải pháp công nghệ thông tin, trang thiết bị điện tử và mã số, mã vạch để xác nhận tên và dịch vụ cung cấp người bệnh. Hệ thống HIS (Quản lý thông tin khám chữa bệnh), hệ thống PACs (Quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh), và hệ thống LIS (Quản lý thông tin xét nghiệm) tại bệnh viện được tích hợp với nhau để đảm bảo đúng người bệnh, đúng dịch vụ. Bệnh viện cũng có hệ thống check-point tại từng khâu thực hiện dịch vụ.

    Ngoài ra, hiệu quả chống nhầm lẫn còn được phát huy nhờ quá trình tư vấn thông tin điều trị cá nhân hóa đến từng người bệnh, về các nguy cơ, tiên lượng... Nhờ thế, thông tin trao đổi giữa y bác sĩ và người bệnh, thân nhân có mâu thuẫn hoặc khác biệt sẽ được phát hiện từ những bước đầu của quá trình điều trị. Điều này có nghĩa là việc nhận diện người bệnh và theo dõi thông tin điều trị được đồng giám sát bởi chính người bệnh hoặc thân nhân, theo bác sĩ Long.

    Với những quy định hiện nay của cơ quan chức năng về đảm bảo an toàn người bệnh, đại diện các bệnh viện đều cho rằng "nếu thực hiện đúng hướng dẫn, việc nhầm lẫn rất khó xảy ra". Theo bác sĩ Vũ, những bước xác định đúng người bệnh được thiết lập ở mọi khâu trong quy trình khám chữa bệnh, giúp phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai sót nếu có ngay từ giai đoạn đầu, khi chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc như mổ nhầm, tiêm thuốc nhầm.

    Lê Phương


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Quy tắc '3 tra 5 đối', dán mã vạch bệnh nhân tránh điều trị nhầm

Share This Page