Bộ Y tế đề nghị ngành y tế Lâm Đồng xin lỗi và xem xét nguyện vọng của người bệnh bị mổ nhầm để giải quyết hợp tình, hợp lý, đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, đề xuất hình thức xử lý. Yêu cầu được Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nêu trong công văn gửi Sở Y tế Lâm Đồng chiều 22/2, sau hai ngày xảy ra sự cố bác sĩ mổ nhầm bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Theo đó, Giám đốc Sở Y tế cần gặp gỡ gia đình, xin lỗi và xem xét nguyện vọng của người bệnh, gia đình để giải quyết hợp tình, hợp lý. Đồng thời, bệnh viện chỉ được phép phẫu thuật khi đã đủ các điều kiện bảo đảm an toàn cho người bệnh. Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức đoàn giám sát việc cải tiến chất lượng và khảo sát hài lòng người bệnh tại một số bệnh viện ở các tỉnh, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Bộ Y tế đánh giá việc cải tiến chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu khi để xảy ra sự cố tại đây. "Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, bệnh viện rút kinh nghiệm sâu sắc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan và đề xuất các hình thức xử lý", Cục trưởng Khuê nêu trong công văn ngày 22/2. Hôm 20/2, bệnh nhân nam, 61 tuổi, bị sỏi thận đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chụp X-quang, bác sĩ nhầm kết quả phim của người khác nên tiến hành mổ "lấy dị vật trong bụng". Trong 30 phút thực hiện ca mổ, ê kíp bác sĩ không tìm thấy ống nhựa trong ổ bụng bệnh nhân. Sau đó ê kíp thông báo có sự nhầm lẫn phim X-quang của bệnh nhân này với một bệnh nhân khác, đồng thời gửi lời xin lỗi. Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho hay đang làm rõ sai sót của những người liên quan đến ca mổ. Bệnh viện sẽ hoàn trả viện phí, theo dõi sức khỏe và đến nhà xin lỗi bệnh nhân. Bệnh nhân có dị vật trong bụng cũng đã được phẫu thuật sau sự cố nhầm lẫn. Hiện chưa rõ tại sao ê kíp mổ tại bệnh viện Lâm Đồng để xảy ra sự nhầm lẫn bệnh nhân cần phẫu thuật và quy trình kiểm soát trước lẫn trong quá trình mổ như thế nào. Đại diện Sở Y tế Lâm Đồng chiều nay cho hay "đã nắm được sự việc, đang xác minh". Theo Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật của Bộ Y tế, ê kíp mổ phải đảm bảo 8 yêu cầu là phẫu thuật đúng bệnh nhân, đúng vùng mổ, xác định chính xác bệnh phẩm phẫu thuật; chuẩn bị đầy đủ khả năng về chuyên môn kỹ thuật, phòng ngừa nguy cơ tai biến trong gây mê và phẫu thuật. Kíp mổ phải đánh giá và chuẩn bị đối phó hiệu quả với nguy cơ tắc đường thở và chức năng hô hấp; đánh giá và chuẩn bị tốt để xử lý nguy cơ mất máu. Ngoài ra, ê kíp có phương án phòng ngừa và giảm tối thiểu tối đa nguy cơ dị ứng và các phản ứng có hại của thuốc. Tránh để quên dụng cụ mổ, vật tư tiêu hao tại vị trí phẫu thuật. Các thành viên ê kíp phải trao đổi và chia sẻ thông tin trong suốt quá trình phẫu thuật, theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, Bảng kiểm an toàn phẫu thuật theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia quá trình mổ làm 3 giai đoạn: tiền mê, trước khi rạch da và trước khi người bệnh rời phòng thủ thuật. Theo đó, những biện pháp kiểm tra an toàn được thực hiện trước khi tiến hành gây mê. Ở bước này, người phụ trách bảng kiểm phải xác định nhân dạng người bệnh, loại thủ thuật dự kiến, vùng mổ... Trong đó có yêu cầu xác nhận phẫu thuật viên đã đánh dấu chỗ mổ (thường bằng bút) trong trường hợp có liên quan tới vị trí có hai bên (trái, phải) hoặc phối hợp nhiều lớp tầng (ví dụ một ngón tay, ngón chân cụ thể, tổn thương da, đốt sống). Giai đoạn trước khi rạch da, việc xác nhận lại tên bệnh nhân, loại phẫu thuật và vùng mổ được nhắc lại lần nữa với sự có mặt của cả ê kíp; tránh phẫu thuật nhầm người, nhầm chỗ. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress