Những người thả tôm, ghẹ… về biển

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 22, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 94)

    Ôm lồng ghẹ hơn 200 con đang mang trứng, Lê Chiến, 40 tuổi, lặn xuống thật sâu thả chúng về với biển để tiếp tục công việc sinh sản.

    [​IMG]

    Nhóm cứu hộ thả sinh vật về biển. Video: Lộc Chung


    Lê Chiến đang là trưởng nhóm Sasa - Nhóm cứu hộ sinh vật biển. Cùng với 14 thành viên, công việc của nhóm là cứu hộ sinh vật biển, tái tạo các hệ sinh thái, rạn san hô và giáo dục bảo vệ môi trường biển cho các em nhỏ từ 3 -10 tuổi.

    Kể lại cơ duyên ra đời của nhóm, Chiến chưa quên ngày đầu tháng 6 năm 2017 khi anh đang công tác tại thành phố Đà Nẵng thì nhận được cuộc gọi của các bạn trẻ báo về trường hợp cá heo mắc cạn trên bờ biển và nhờ giúp đỡ. Khi đó Chiến cùng nhóm bạn đưa cá heo vào Nha Trang để chăm sóc chuyên sâu. Do cá bị lạc mẹ cùng với một số bệnh và chấn thương nên đã không qua khỏi. "Chúng tôi khi đó rất buồn. Cá heo con được nhóm đặt tên là Sasa", Chiến kể. Sau vài lần nói chuyện, lắng nghe các bạn trẻ ở Đà Nẵng chia sẻ về biển, nhóm lên kế hoạch cứu hộ sinh vật biển nghiêm túc hơn. "Chỉ trong vòng 3 tháng chúng tôi đã tham gia cứu hộ hơn 20 trường hợp rùa biển, cá heo... Nhóm Sasa ra đời từ đó", Chiến cho biết.

    Hơn 7 năm hoạt động, hàng tấn sinh vật được nhóm đưa trở lại biển. Trong đó có hàng nghìn cá ngựa, bạch tuộc, tôm mũ ni ôm trứng, cá mập, rùa... Chiến kể, có tới hơn 100 trường hợp rùa biển, trong đó có những trường hợp viêm nhiễm nặng đường tiêu hóa, mất thị lực, liệt cơ hàm vẫn cứu hộ thành công. Có 25 trường hợp cá heo được cứu hộ nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt 30%. "Điều chúng tôi đáng tự hào nhất đó là 50.000 m2 rạn san hô được tái tạo, vườn ươm giống san hô và một rạn san hô nhân tạo nhằm phục vụ đa mục đích", Chiến cho biết. Ngoài những trường hợp cứu hộ tự nhiên, nhóm cũng huy động tài trợ kinh phí từ cộng đồng và doanh nghiệp để mua giống tôm cua cá thả về biển.

    [​IMG]

    Thành viên nhóm Sasa lặn thả bạch tuộc về biển ở Đà Nẵng. Ảnh: Sasa


    Trong chiến dịch Làm Giàu Cho Đại Dương - Feed the Ocean, nhóm chọn thả các loài tiêu biểu như tôm, cua, cá, ghẹ, cá mập, cá đuối, bạch tuộc, cá ngựa... Nhóm nghiên cứu kỹ về sinh thái học của từng loài để đưa chúng về môi trường sống tự nhiên hoặc phù hợp với chúng trong từng thời kỳ phát triển của loài đó. Loài nào thuộc về hệ sinh thái nào sẽ được đưa về nơi phù hợp. Ví dụ như cá mập rạn, cá đuối rạn, cá đuối đước, cá ngựa, bạch tuộc, cá mú rạn vốn dĩ là cư dân của rạn san hô thì chúng ta đưa về rạn. Với cua bùn, tôm sú, môi trường tốt nhất là rừng ngập mặn, ghẹ và cá đuối cát thì được đưa về khu vực bãi cát biển... "Tất cả những việc này đảm bảo tính khoa học của chiến dịch và cũng như tăng cơ hội sống sót, sinh sản, khôi phục số lượng", Chiến nói và cho biết, các thành viên đều có nền tảng nghiên cứu về sinh vật học đại dương nên định danh khoa học chính xác, nắm rõ đặc điểm sinh học, sinh thái học của từng loài, môi trường sống của chúng trong từng giai đoạn phát triển.

    Khi cứu hộ sinh vật biển, điều khiến Chiến trăn trở là 100% trường hợp rùa biển cần cứu hộ đều có nhựa trong đường tiêu hóa. Tiếp đến là vấn đề lưới ma. "Hàng năm biển phải đón nhận hàng trăm tấn lưới ma và chúng âm thầm giết hại sinh vật biển, giết hại các rạn san hô vốn dĩ đang vô cùng mong manh", Chiến nói. Hiện ý thức tương tác với tự nhiên, hành vi khai thác, ý thức tiêu dùng cũng gần như không được chú ý. "Chúng ta khai thác, tiêu thụ những loài ôm trứng, đang trong mùa sinh sản mà gần như không quan tâm đến hậu quả. Các hình thức đánh bắt tận diệt vẫn tràn lan như giả cào, đánh điện, hóa chất, thậm chí là đánh mìn. Các rạn san hô ven bờ bị dẫm đạp không thương tiếc vì khai thác gần bờ và du lịch. Các thảm cỏ biển bị cày xới bởi những công trình trái phép và khai thác trái phép.

    Không dừng ở Đà Nẵng, từ tháng 12 năm 2023, nhóm bắt đầu thực hiện chiến dịch tại Phú Quốc. Lê Thu Thảo, 32 tuổi, chủ nhà hàng café tại Phú Quốc, thành viên nhóm cho biết, đã có 20 kg ghẹ ôm trứng được thả về biển nhằm triển khai mục tiêu đầu tiên của chiến dịch làm giàu cho Đại Dương. Hơn 200.000 cá, tôm sú, cua giống được thả về biển. Mục tiêu tiếp theo của nhóm là tuyên truyền để thay đổi hành vi khai thác cũng như tiêu dùng. Trong đó hạn chế tối đa khai thác và tiêu dùng các loài đang ôm trứng hoặc trong mùa sinh sản, xây dựng cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ và lan tỏa. Thảo cũng là người nhiều năm theo đuổi mục tiêu "tự trả phí cho thiên nhiên" bằng cách không kinh doanh những mặt hàng sử dụng chai, cốc nhựa.

    Thảo chia sẻ, là thành viên của Sasa, cô được trải nghiệm nhiều hơn về sinh vật biển, thế giới dưới nước và các hệ sinh thái của biển. Cô đã rất sốc khi đọc một báo cáo khoa học về sự suy giảm hệ sinh thái biển và thấy thực tế còn tệ hơn khi khảo sát trực tiếp. "Tôi đã gắn bó với hòn đảo Phú Quốc gần 10 năm và thực sự muốn làm điều gì đó cho đảo. Mấy anh em quyết định nếu Đại Dương đang nghèo thì hãy làm giàu bằng cách cho ăn (Feed the Ocean)", Thảo nói.

    Mỗi lần đi mua sinh vật biển ôm trứng các thành viên nhóm đều cố gắng chia sẻ thông tin với ngư dân nhằm thay đổi ý thức khai thác của họ. Thảo cho biết, ngư dân còn khá hồn nhiên trong hành vi và ý thức khai thác, nó như thói quen nhiều đời. Nhưng khi được chia sẻ về việc bảo tồn số lượng và khai thác bền vững "chúng tôi thấy khá lạc quan, thêm nữa chính họ cũng lờ mờ thấy được sự suy giảm sản lượng trong nhiều năm nay", Thảo nói và cho biết với mục tiêu xây dựng cộng đồng, hiện tại đã có nhiều bạn trẻ, các nhóm gia đình đăng ký tham gia các buổi tái thả. "Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có một cộng đồng vững mạnh, chung tay chăm sóc Đại Dương", Thảo hy vọng.

    [​IMG]

    Nhiều em nhỏ tham gia thả sinh vật về biển tại Phú Quốc. Ảnh: Sasa


    Lê Chiến cho biết trong năm 2024 nhóm tiếp tục công việc tái tạo những rạn san hô, cứu hộ sinh vật biển, phát động chiến dịch Làm Giàu Cho Đại Dương - Feed the Ocean trên toàn quốc. Bốn mục tiêu của chiến dịch là: Làm giàu cho Đại Dương bằng cách cải thiện các hệ sinh thái, đưa về các cư dân của hệ sinh thái đó để đảm bảo tính đa dạng sinh học, mở rộng mạng lưới thức ăn cũng như phức tạp hóa quy trình carbon; Dựa trên truyền thông để thay đổi hành vi khi thác và ý thức tiêu dùng; Đưa chiến dịch vào trường học nhằm phục vụ mục đích giáo dục (chỉ với 2.000 đồng bạn đã có thể đưa một bé cua về biển...); Xây dựng cộng đồng.

    Về lâu dài Chiến mong muốn nhà nước có pháp chế về những về đánh bắt, khai thác chặt chẽ hơn để đảm bảo nguồn lợi thủy sản. Nhưng việc mà nhóm tin có thể làm ngay đó là giáo dục ý thức cộng đồng. Cần phải đưa Đại Dương đến với học sinh để các bé biết mình đã có gì, đang còn gì, đã mất gì và cần phải làm gì...

    Phương Linh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những người thả tôm, ghẹ… về biển

Share This Page