Hành trình phục hồi của bệnh nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 19, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 68)

    Hà NộiThiếu tá Nguyễn Văn Chương, 38 tuổi, nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini hiện tập đi xe đạp, viết chữ, ăn uống với sự giúp đỡ của bố mẹ.


    Anh Chương công tác tại Lữ đoàn 21, Bộ Tư lệnh Biên phòng, nạn nhân vụ cháy chung cư mini ngõ 29 Khương Hạ, Thanh Xuân vào tháng 9/2023. Sau gần hai tháng cấp cứu tích cực, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Chương được bố mẹ đón về thôn Long Châu, xã Tiên Dược, Sóc Sơn để chăm sóc.

    Từ đó đến nay, mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Chức và bà Trần Thị Nhiên - là bố mẹ của anh Chương, thay phiên nhau đưa con bằng xe bus đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị phục hồi chức năng. Hiện anh có thể đạp xe hơn 10 km, nhận ra nhiều người, nhớ lại nhiều ký ức. Mắt anh cũng sáng dần (thị lực 4/10), chữ viết rõ ràng hơn, các cuộc nói chuyện bình thường trở lại.

    Các sinh hoạt như đánh răng, rửa mặt, ăn uống vẫn thụ động, phải có bố mẹ trợ giúp. Tuy nhiên, với ông Chức, đây là một bước tiến lớn so với ngày đầu nằm viện.

    "Nhìn sức khỏe con tiến triển dù chỉ từng chút, từng chút một, tôi cũng vui từng ngày", ông nói, hôm 18/2.

    [​IMG]

    Anh Chương cùng bố mẹ ngồi trước hiên nhà, tháng 2/2024. Ảnh: Phương Thảo


    Trước đó, khi được chuyển vào Trung tâm Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, rạng sáng 13/9/2023, cơ thể anh Chương bị tổn thương nặng, đặc biệt là cơ quan thần kinh do ngộ độc CO. Phổi của anh ám đen vì khói độc, tim, não, gan, thận đều suy nặng.

    Các bác sĩ tích cực rửa phổi, đến ngày thứ 6, dịch phổi hút ra vẫn có màu đen kịt. Anh được dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn hô hấp, cùng các thuốc điều trị tăng trương lực cơ.

    Ông Chức chia sẻ, ba tuần đầu con nằm viện, gia đình luôn sống trong sợ hãi rằng anh Chương sẽ ra đi. Khi được hỏi về con cháu, ông bà lại khóc. Vợ và hai con của thiếu tá đã qua đời trong đám cháy.

    Mỗi lần vào thăm, ông Chức thấy con nằm hôn mê, máy móc chằng chịt quanh người. Khi ấy, người bố chỉ biết cầu nguyện để con vượt qua thảm kịch.

    PGS TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngay từ thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã xác định đây là trường hợp rất nặng, có thể tử vong. Chỉ số sinh tồn của người bệnh chỉ được 4-5 điểm, trong khi 8-9 điểm mới có thể cấp cứu.

    Đặc biệt, bệnh nhân bị tổn thương não do ngạt khói, ngộ độc khí CO và thiếu oxy nên có những cơn gồng cứng, rối loạn ý thức, cần phối hợp nhiều thuốc kiểm soát co giật, gồng cứng cơ và thuốc an thần. Anh Chương có 27 cuộc hội chẩn toàn bệnh viện của các chuyên gia đầu ngành nhằm đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, với hy vọng "còn nước còn tát".

    Cuối cùng, phép màu cũng đến. Bệnh nhân tỉnh dần, gọi làm theo lệnh, các cơn gồng cứng giảm nhiều, tình trạng viêm phổi cải thiện và cai máy thở.

    Khoảnh khắc tỉnh lại trên giường bệnh, anh Chương nhận ra bố, mẹ, anh trai và các đồng đội của mình. Thủ trưởng đơn vị hỏi thăm, anh vẫn giơ tay chào hỏi theo lễ nghi quân đội nhưng chưa nói được câu dài tròn vành, rõ chữ, ánh mắt mờ nhìn xa xa vô hồn, chưa nhớ được hết mọi người.

    Những ngày nằm viện, ông Chức và con trai lớn cũng chia nhau tới chăm sóc. Sợ con tự ngồi sẽ ngã nên ông luôn túc trực bên cạnh. Anh Chương dần dần có thể bước chậm chạp, tự ngồi dậy, giơ tay lên dù chưa cầm nắm được.

    [​IMG]

    Bệnh nhân trong quá trình điều trị tại viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Hôm 6/11 năm ngoái, anh được xuất viện. PGS TS Đào Xuân Cơ đánh giá "đây là một ca phục hồi ngoạn mục", tuy nhiên do bị tổn thương thần kinh nặng, người bệnh cần tiếp tục được phục hồi chức năng, chăm sóc toàn diện cả về dinh dưỡng và vận động.

    Tỷ lệ mắc di chứng tâm thần kinh muộn sau khi ngộ độc khí CO ước tính khoảng 10-30%, xảy ra từ 3-240 ngày sau khi tiếp xúc. Các dấu hiệu gồm chứng mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, mất điều hòa các động tác, tiểu không tự chủ, đau đầu kiểu căng thẳng hoặc rối loạn giấc ngủ. Trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc cộng hưởng từ sọ não của những bệnh nhân này cho thấy các thay đổi đặc trưng như teo não, tổn thương tại các hạch nền, đồi thị, thân não và tiểu não. Quá trình phục hồi của những nạn nhân này sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực để chữa lành thể chất, tinh thần.

    Ngày trở về nhà, anh Chương giống như một đứa trẻ, lúc nhớ, lúc quên, sinh hoạt cá nhân cần người hỗ trợ. Mắt người đàn ông bị mờ, thị lực chỉ 2/10, gần như không nhìn thấy gì. Người mẹ đưa con sang Bệnh viện Mắt trung ương, Bệnh viện Quân đội 108 kiểm tra nhưng đều không cải thiện, kể cả khi đeo kính.

    Từ tháng 1 năm nay, gia đình đưa anh Chương đi châm cứu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, một tuần năm buổi để cải thiện chức năng thần kinh và vận động. Hằng ngày, ông Chức lần lượt chở hai mẹ con anh Chương ra điểm đón xe bus để sang nội thành chữa bệnh. Ngoài thuốc theo đơn điều trị của bác sĩ, gia đình cho anh đi châm cứu, bấm huyệt. Bác sĩ điều trị nhận định bệnh nhân cần một quá trình phục hồi lâu dài và kiên trì nhiều biện pháp mới có thể hồi phục hoàn toàn.

    [​IMG]

    Anh Chương dọn dẹp khoảng sân. Ảnh: Phương Thảo


    Ông Chức cho biết giai đoạn khó khăn nhất là giữ lại mạng sống đã được các bác sĩ nỗ lực cứu giúp. Hiện, gia đình ông tập trung mọi nguồn lực giúp anh Chương lấy lại sức khỏe.

    "Bây giờ, vợ chồng tôi còn khỏe, chúng tôi sẽ chăm sóc con. Sống được đã là kỳ tích, mình càng phải trân trọng hơn", người bố chia sẻ.


    Thúy Quỳnh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Hành trình phục hồi của bệnh nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini

Share This Page